Thời cơ để kinh tế Việt Nam chuyển mình thoát bẫy thu nhập trung bình

Nguồn: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đồ họa: Phương Anh

Một số xu hướng lớn đang định hình tương lai của Việt Nam

Đặt vấn đề thảo luận, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng sau 30 năm đổi mới, việc Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao, hay chúng ta lại rơi vào tình thế của một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia - sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình, hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn là một câu hỏi lớn.

Bệ đỡ cho phát triển hài hòa là thể chế phát triển hài hòa

Để đạt được các mục tiêu phát triển cao đã đề ra, GS.TS Ngô Thắng Lợi cho rằng, Việt Nam không thể không tăng trưởng nhanh, nhưng phải gắn với chất lượng tăng trưởng. Điều này đòi hỏi phải có mô hình phát triển hài hòa nhằm đạt tác động tốt nhất từ tăng trưởng cho công bằng, tiến bộ xã hội. Trong đó, bệ đỡ của phát triển hài hòa chính là thể chế phát triển hài hòa.

Hiện nay, một số xu hướng lớn đang định hình tương lai của Việt Nam là: Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo mang đến cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững về kinh tế, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất… Tuy nhiên, những xu hướng này cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn như: gia tăng thất nghiệp; thách thức về chính trị, xã hội, thể chế; nhiều vấn đề về hạ tầng; rủi ro lớn hơn về an toàn, an ninh thông tin và rủi ro về cạnh tranh và tụt hậu.

Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng và mức lương đang tăng lên. Thương mại toàn cầu đang suy giảm và các doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường và xã hội. Suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đang gia tăng. Đại dịch Covid-19, các bất ổn, xung đột chính trị tại nhiều nơi trên thế giới… Những yếu tố đó đang đặt ra những thách thức chưa từng có có thể làm suy yếu tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển.

Trong khi đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành "quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao" vào năm 2030 và "quốc gia phát triển có thu nhập cao" vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.

Nhìn lại quá phát triển của Việt Nam, GS.Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản), chỉ ra những thành tựu lớn về tăng trưởng thu nhập nhanh, về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, giảm tỷ lệ tử vong... Bên cạnh đó là những thành công về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thành công của chính sách thu hút FDI và chính sách thương mại thành công (WTO, ASEAN, FTA, TPP, RCEP…) và sự trỗi dậy của một số doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao như: Vin Group/Vinfast, Viettel, FPT v.v.

“Nhưng Việt Nam cần nhiều hơn thế” - ông Trần Văn Thọ nói. Theo GS Đại học Waseda, từ thập niên 1990 Việt Nam đã cho thấy một thành quả phát triển đáng kể nhưng nền kinh tế chưa có được thời kỳ phát triển cao (tăng trưởng mỗi năm phải đạt 10% và tốc độ này phải được duy trì trong 10 năm). Ngay khi ở trong giai đoạn dân số vàng, mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam rất thấp. Khu vực phi chính thức còn lớn và tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ quá nhiều.

Cẩn trọng dấu hiệu thu nhập trung bình

Giải ngân đầu tư công hiệu quả - một trong những động lực tăng trưởng hiện hữu. Ảnh minh họa

Còn theo GS. Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), vấn đề của Việt Nam là tăng trưởng đang chậm lại ở mức thu nhập trung bình (quá sớm) thay vì tăng tốc. Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào FDI để xuất khẩu, công nghệ và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn mờ nhạt. Việt Nam cũng chậm xây dựng hệ thống giao thông hiện đại (đặc biệt là mạng lưới đường sắt đô thị). Bên cạnh đó là các vấn đề về môi trường và tài nguyên…

Đặc biệt, có rất nhiều biểu hiện về bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam như: tăng trưởng chậm lại ở mức thu nhập trung bình; thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao; năng suất lao động và TFP ở mức trung bình; phụ thuộc nhiều vào FDI... “Để đối phó với những vấn đề này, Việt Nam cần nâng cao năng lực lãnh đạo và các nhà kỹ trị kinh tế. Cần tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới với ít quan liêu hơn” - GS. Kenichi Ohno khuyến nghị.

Đối với doanh nghiệp, GS.TS Ngô Thắng Lợi - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đề xuất phải tạo ra sân chơi bình đẳng cho cả 3 loại hình doanh nghiệp, chú trọng hơn nữa chính sách cho khu vực tư nhân, đề cao vai trò của các “sếu đầu đàn”. Kinh nghiệm và bài học thế giới cho thấy các quốc gia có thể đạt mức thu nhập trung bình nhờ tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập quốc tế, nhưng để đạt mức thu nhập cao hơn đòi hỏi nỗ lực chính sách để kích thích sự năng động của khu vực tư nhân.

Khuyến nghị về Chiến lược và chính sách để phát triển đạt mức thu nhập cao, GS.Trần Văn Thọ nhấn mạnh 5 chính sách: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất; chính thức hóa khu vực phi chính thức, tăng quy mô doanh nghiệp để đẩy mạnh tích lũy tư bản và cách tân công nghệ (đổi mới sáng tạo); cải cách và phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu; chú trọng cung cấp lao động có kỹ năng và khuyến khích hoạt động R&D để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo.

Theo GS. Trần Văn Thọ, trong khoảng một thập niên tới, mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất cho Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị cho thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.

Quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, TS. Cấn Văn Lực cho rằng kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, song là nền kinh tế có độ mở cao, những thách thức bên ngoài và khó khăn nội tại đã tác động đến tăng trưởng cũng như khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Trong năm 2024, dù khó khăn có thể dịu bớt hơn so với năm 2023 nhưng cơ hội và thách thức đan xen, nên để lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% như Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã kiến nghị tập trung 2 nhóm giải pháp chính.

Trong đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhóm nghiên cứu đề nghị chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu bao gồm: Giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn (theo đó, cần có đánh giá, rà soát việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân để có cập nhật, điều chỉnh phù hợp bối cảnh mới hiện nay); Kích cầu tiêu dùng nội địa; Quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế (Hà Nội, TP.HCM…), qua đó thúc đẩy liên kết vùng…

Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện và hiệu quả thực thi thể chế (nhất là các đạo luật quan trọng mới được thông qua), các chính sách hướng thực thi; quan tâm cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung tăng năng suất lao động (xem xét thành lập ủy ban năng suất quốc gia); đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; xây dựng chiến lược và giải pháp tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế./.

Hoàng Yến