Thủ tướng: Ngoại giao bội thu, nông nghiệp được mùa

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị tại trụ sở Bộ NN-PTNT, chiều 3-1. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của ngành nông nghiệp Việt Nam, tổ chức chiều 3-1 tại Hà Nội, Thủ tướng ạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả của ngành NN-PTNT năm 2023. Năm 2023, quy mô kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người.

“Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Điểm lại bối cảnh kinh tế đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Năm nay, ngoại giao thì bội thu mà nông nghiệp thì được mùa”.

Theo Thủ tướng, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt "cơn gió ngược", thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến xoay chuyển tình thế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng nông sản giới thiệu bên hành lang hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong Top 3 thế giới.

Giao chỉ tiêu năm 2024 cho ngành nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu “không thụt lùi” mà phải cao hơn năm trước. Nếu 2023 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chưa đạt 55 tỷ USD như con số Thủ tướng đã giao thì năm 2024 phải phấn đấu đạt 55 tỷ USD trở lên.

Thủ tướng cho rằng, nhiều cơ hội về thị trường và quan hệ kinh tế đang mở ra cho nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, Bộ NN-PTNT tăng cường phối hợp ộ Ngoại giao tổ chức các hội nghị với cơ quan đại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc; xây dựng đề án xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu đáp từ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng

Bên cạnh đó, ngành cần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản.

Thủ tướng yêu cầu các bộ làm việc với doanh nghiệp, thị trường bên ngoài để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để tiếp cận thị trường tốt hơn. Ngành cần tiếp tục chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. “Đây là những tư tưởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của người nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, khẳng định, ngành lúa gạo nước ta đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực trong nước và thế giới. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh là sáng kiến mới của Việt Nam. “Đây là động lực rất lớn của Việt Nam. Vừa rồi, tôi đi hội nghị lúa gạo quốc tế, cảm nhận được sự ủng hộ của bạn bè thế giới”, ông Bùi Bá Bổng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp với nền kinh tế, đồng thời coi nông nghiệp là lợi thế ngoại giao của Việt Nam. Theo Bộ trưởng, trong các cuộc công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ê Minh Hoan, các nước trên thế giới đều bày tỏ sự tin cậy, ngưỡng mộ những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp. “Nhiều nước gặp khó khăn về an ninh lương thực, đã đề nghị Thủ tướng ký hiệp định khung về xuất khẩu lương thực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói và cho rằng, một trong những kênh đối ngoại rất tốt là quà tặng ngoại giao bằng nông sản.

VĂN PHÚC