Thúc đẩy kinh tế số phát triển

Tại trang trại của anh Chung, không còn cảnh người nông dân cầm vòi nước tưới từng gốc cây, hơn 1.000m2 trồng dưa chuột Nhật Bản đã được đầu tư hệ thống nhà lưới cắt nắng, tưới phun mưa, công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công. Để tạo niềm tin với người tiêu dùng, anh đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thông qua đó khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Anh Hà Quang Chung, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê vận hành hệ thống tưới tự động qua điện thoại thông minh.

Ở Hợp tác xã (HTX) chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, trăn trở tìm cách đưa sản phẩm chè OCOP của Phú Thọ đến với bạn bè gần xa, từ hai năm trở lại đây, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh ương mại điện tử. Không chỉ với sản phẩm chè của HTX chè Cẩm Mỹ mà đến nay, tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ ba sao trở lên được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Postmart.vn;...) và trang thông tin điện tử nongsan.phutho.gov.vn. Nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử khác như Tiki, Sendo, Lazada... và trên các trang mạng xã hội.Cùng chuyển động với các doanh nghiệp trong nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp của tỉnh cũng không ngừng “thay tư duy, đổi cách làm”. Nhận thức rõ việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững của đơn vị, tháng 9/2022, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần gốm sứ CTH đã quyết định xây dựng bộ quy trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp với giải pháp phần mềm phục vụ quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Hệ thống có nhiều ưu điểm nổi bật như: Toàn bộ dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động nên tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.

Thông tin kịp thời, minh bạch; chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí trong Công ty được xác định rõ ràng, cụ thể. Công ty có thể kiểm soát được tức thời dòng chảy của thông tin, công việc và đo lường được hiệu quả công việc của từng phòng, ban, cá nhân. Các luồng thông tin được sắp xếp khoa học, minh bạch, giúp lãnh đạo Công ty có thể nhìn thấy được “bức tranh” kinh doanh tổng thể để đưa ra chiến lược phát triển, sự đổi mới kịp thời trong quản lý. Đây là cơ sở giúp Công ty tạo nhiều giá trị cho khách hàng, đồng thời đón đầu xu hướng, thị hiếu, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế để mang lại bước đột phá cho doanh nghiệp.

“Bức tranh” kinh tế số ngày càng sôi động hơn khi các doanh nghiệp dịch vụ cũng bắt nhịp chuyển đổi số. Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả như: Hệ thống điều hành du lịch, phần mềm quản lý cơ sở lưu trú, ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống đặt dịch vụ du lịch, thanh toán trực tuyến, gắn mã QR tại các điểm di tích lịch sử...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, tỉnh ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, mang lại các giá trị mới, thiết thực gồm: Du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp... Năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt hơn 6,8 tỉ USD. Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp, hơn 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử.

Mới đây, tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỉ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 20%; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỉ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỉ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Giang-Thủy-Trang