Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN hiệu quả, an toàn, bền vững

Nhằm góp phần vào việc để thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và minh bạch, đóng góp cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế, chiều 4/12, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững".

Tại tọa đàm các đại biểu cho rằng, từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh. Trong số các chính sách đó, việc Chính phủ khẩn trương, kịp thời ban hành Nghị định 08 về sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu, chỉ đạo đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành từ ngày 19/7/2023…

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế... (Ảnh minh họa)

Nhờ đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những phát triển vượt bậc, nhất là về khối lượng phát hành cũng như gia tăng số nhà đầu tư, đóng góp thiết thực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.

Ông Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Dương cho biết: "Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý I hầu như không có đợt phát hành nào nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Chúng tôi theo dõi, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023".

Mặc dù đã được cải thiện, song các đại biểu cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa đạt như kỳ vọng, bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cụ thể về hình thức phát hành có đến 90% phát hành riêng lẻ, chỉ có 10% phát hành ra công chúng- điều này mất xảy ra tình trạng mất cân đối; Cơ cấu nhà đầu tư thiếu tính chuyên nghiệp, hiểu biết; tính công khai minh bạc còn hạn chế nhất là đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ; quy trình thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng còn phức tạp…

Để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và minh bạch, cần phải cải tiến hơn nữa về quy trình thủ tục, cũng như việc xét duyệt hồ sơ nhanh hơn, thuận tiện hơn khi phát hành ra công chúng. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thực nêu cao tính kỷ luật, hiện đúng quy định của pháp luật khi phát hành trái phiếu.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách khi Nghị định 08 sắp hết hiệu lực. Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy các sản phẩm mới..

"Đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, hiện nay cơ bản chỉ có mỗi trái phiếu doanh nghiệp, còn đối với trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững thì sao, trái phiếu xã hội thì sao…. Tôi rất muốn chúng ta nhân cơ hội này thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu của chúng ta. Cùng với đó cần đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, rất mong muốn chúng ta sẽ thúc đẩy để chúng ta có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt các quỹ đầu tư và đây là cách để chúng ta thu hút nguồn lực của xã hội, của nhà đầu tư" - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng…

Nguyễn Hằng/VOV1