Tín dụng cho kinh tế tập thể rất nhỏ giọt

Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”

Theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã (HTX) với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) với 1.700 thành viên). Trong đó, cần đảm bảo trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loạt tốt, khá và trên 90% tổ chức kinh tế tập thể họa động hiệu quả.

Cùng với chủ trương của Nhà nước, phía cũng đã triển khai nhiều giải pháp cấp tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể.

Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết NHNN đã duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp, trung bình lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,6%.

Trong đó, “NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng CNC thấp hơn so với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường”, bà Tùng cho biết.

Ngoài ra, NHNN còn triển khai nhiều chương trình tín dụng phục vụ riêng cho phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX, như chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách ưu đãi lãi suất, cơ chế xử lý nợ đặc thù, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm giai đoạn 2022 – 2023,…

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, LHHTX đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, LHHTX.

Cụ thể, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay NNNT toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có tài sản bảo đảm đối với HTX, LHHTX trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (Cho vay không có tài sản bảo đảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023.

NHNN triển khai nhiều chương trình ưu đãi tín dụng cho các HTX, LHHTX.

Mặc dù có bước phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng nhưng tín dụng đối với HTX, LHHTX vẫn đang ở mức thấp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số dư nợ nền kinh tế.

Theo đại diện NHNN, nguyên nhân tín dụng đối với HTX còn thấp là do HTX thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Ngoài ra, dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế cùng với áp lực biến động giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng không nhỏ tới đầu tư, kết quả kinh của HTX.

“Phần lớn HTX, Tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vị hoạt động hẹp; tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu. Vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của HTX còn hạn chế. Đặc biệt, vấn đề nợ của HTX, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm”, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết.

Trước những thách thức còn tồn đọng, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô.

NHNN cũng sẽ triển khai các nhóm giải pháp phát triển KTTT, HTX tại Chương trình hành động của ngành Ngân hàng; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng, các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất phù hợp với đặc thù mô hình kinh tế tập thể.

Song song với đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX, từ đó từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.

Khánh Tú