Trên vạch xuất phát

Tiếng nổ ở vùng biên giới

Theo thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, ngày 27-7 vừa qua, nước này và CHDCND Triều Tiên đã chính thức khôi phục lại đường dây nóng liên lạc cấp chính phủ và giữa quân đội hai nước. Đây là kết quả của việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trao đổi một số bức thư cá nhân kể từ hồi tháng 4 vừa qua. Hai bên đã thống nhất chọn một ngày mang tính biểu tượng để nối lại các đường dây liên lạc là 27-7, chính là ngày 68 năm trước, cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Việc nối lại các đường dây nóng liên lạc đã “rã băng”quan hệ giữa hai nước sau 13 tháng đóng băng kể từ hồi tháng 6 năm ngoái, khi phía Triều Tiên dùng thuốc nổ phá hủy hoàn toàn tòa nhà Văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong thuộc thị trấn biên giới cùng tên.

Ảnh: ST.

Văn phòng liên lạc liên Triều được thành lập tháng 9-2018 để hỗ trợ các hoạt động trao đổi và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên theo thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên tổ chức vào ngày 27-4-2018. Một trong những chức năng chính của văn phòng này là tổ chức các cuộc gặp gỡ thân nhân giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Khi tình hình quan hệ giữa hai bên căng thẳng với hàng loạt những lời đấu khẩu ác ý nhằm vào nhau, Khu công nghiệp Kaesong được Hàn Quốc và Triều Tiên cùng thành lập cũng đã phải đóng cửa.

Tháng 6 năm ngoái, Bình Nhưỡng thông báo sẽ tiến hành vụ nổ phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hành động này, theo phía Triều Tiên, là Hàn Quốc đã không làm gì để ngăn chặn những hành động của một nhóm người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc rồi thường xuyên thả bóng bay và chai nhựa mang theo các tờ truyền đơn nói xấu nhà lãnh đạo Triều Tiên và cả gạo, tiền ngang qua giới tuyến sang khu vực lãnh thổ của Triều Tiên. Thật ra thì Hàn Quốc đã có những hành động pháp lý chống nhóm đào tẩu, tuy nhiên phía Triều Tiên cho rằng những động thái đó là chưa đủ.

Căng thẳng tăng cao khi Bình Nhưỡng dọa cắt đứt quan hệ liên Triều và em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo rằng đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị cho những hành động tiếp theo để trả đũa việc nhà chức trách Hàn Quốc không nỗ lực ngăn chặn các "hành động thù địch", vi phạm hàng loạt thỏa thuận hòa bình song phương, dẫn đến những căng thẳng "tồi tệ chưa từng thấy" trên Bán đảo Triều Tiên.

Cuối cùng thì chỉ có Văn phòng liên lạc liên Triều bị phá hủy.

Quan hệ tam giác Mỹ-Hàn-Triều

Sau hơn một năm, tình hình đã có những bước biến chuyển mới.

Phải nói rằng cải thiện quan hệ với miền Bắc là một trong những trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trong năm 2018, quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đã có những bước phát triển lạc quan khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có tới 3 lần gặp nhau trực tiếp trong năm. Khi ấy, người ta đã lạc quan về những bước tiến lớn cải thiện quan hệ giữa hai miền, chấm dứt tình trạng đình chiến vốn đã kéo dài suốt từ năm 1953.

Tuy nhiên, còn một cuộc gặp khác, giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra vào đầu năm 2019 ở Hà Nội đã kết thúc mà không có bất cứ một thỏa thuận nào. Kể từ đó, quan hệ giữa hai miền trở nên xấu đi, bất chấp những cố gắng nhằm tái lập liên lạc giữa hai miền. Seoul đã ban hành một điều luật cấm các hoạt động tuyên truyền gửi truyền đơn sang phía Triều Tiên nhưng điều đó là chưa đủ.

Nguyên nhân sâu xa nằm ở một chỗ khác: mối quan hệ tam giác Mỹ-Hàn-Triều Tiên.

Khi phía Triều Tiên dùng chất nổ đánh sụm tòa nhà Văn phòng liên lạc liên Triều, các nhà phân tích quốc tế ở thời điểm đó cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới động thái quyết liệt này của phía Triều Tiên là do Bình Nhưỡng cảm thấy thất vọng sau nhiều tháng Seoul nhất quyết từ chối chống lại các lệnh cấm vận Triều Tiên do Washington áp đặt, để tái khởi động các dự án kinh tế chung giữa hai nước, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khắp thế giới khi ấy đang khiến nhiều quốc gia lao đao vì suy sụp kinh tế.

Sau khi ông J.Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Moon Jae-in đã nhiều lần hối thúc ông Biden thực hiện thỏa thuận được ký ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ D.Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Qua nhiều tháng xem xét, chính quyền của Tổng thống Biden đã lựa chọn cách tiếp cận “có điều chỉnh” và “thực tế” đối với Triều Tiên. Mặc dù vậy, phía Triều Tiên đã không đáp lại lời đề nghị của Mỹ nối lại các cuộc đối thoại “bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu mà không có điều kiện tiên quyết”.

Bởi vậy nên sau một thời gian, chính quyền của Tổng thống Biden khôi phục lại giọng điệu cứng rắn và tập hợp các đồng minh để cùng gây sức ép với Triều Tiên, thống nhất lập trường trong các hội nghị như Hội nghị ngoại trưởng và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cuộc gặp thượng đỉnh và đối thoại an ninh với các nguyên thủ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều lần nhắc lại rằng Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng.

Phía Triều Tiên đời nào chấp nhận những đòi hỏi cứng rắn này của Mỹ. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho các cuộc đối thoại Mỹ-Triều không có bất cứ một tiến triển nào kể từ các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Khó khăn chồng chất

Về phía Triều Tiên cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định, do đủ các yếu tố hội tụ lại trong cùng một thời gian: những khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc, dịch bệnh COVID-19, tình trạng thiên tai bão lụt liên miên và tác động từ những lệnh cấm vận của Mỹ.

Mối quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc, quốc gia đồng minh của Triều Tiên, không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Trong 5 năm đầu tiên dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã không có bất cứ một cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước. Năm 2017, việc Trung Quốc đồng ý với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên đã khiến quan hệ giữa hai bên tụt xuống đến mức nghiêm trọng. Phải sang năm 2018, bắt đầu bằng một cuộc gặp không báo trước vào tháng 3 tại Bắc Kinh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ hai nước mới có những bước cải thiện. Các đoàn tàu bắt đầu chuyển hàng hóa tới Triều Tiên.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã có những tác động vô cùng nặng nề đến nguồn hỗ trợ này. Nếu để nạn dịch lây lan thì sẽ khó có thể chống đỡ được lâu dài nên Triều Tiên đã thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch triệt để. Từ tháng 1-2020, Triều Tiên đóng cửa biên giới, khiến cho thương mại biên giới Trung-Triều bị gián đoạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế giữa hai nước. Tình trạng đóng cửa biên giới cũng khiến cho dòng viện trợ nhân đạo quốc tế giảm mạnh. Thậm chí, Triều Tiên còn không nhận viện trợ từ nước ngoài do lo ngại dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Mặt khác, những tác động của lệnh trừng phạt nghiêm khắc do Liên Hiệp Quốc và Mỹ thực hiện cho đến nay vẫn chưa hề được nới lỏng tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Triều Tiên. Ngày 21-6 vừa qua, Tổng thống Mỹ J.Biden công bố quyết định gia hạn sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp an ninh quốc gia liên quan đến Triều Tiên kéo dài từ năm 2008 đến nay. Điều đó đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Triều Tiên cũng sẽ được gia hạn thêm 1 năm.

Tình trạng thiên tai, bão lụt và tác động của biến đổi khí hậu khiến cho sản xuất lương thực của Triều Tiên sụt giảm.

Khi đưa tin về lễ bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII hồi tháng 6 vừa qua, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA thừa nhận con đường phía trước còn “vô vàn khó khăn”.

Tất cả những yếu tố đó đã mở ra cơ hội đối thoại giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên mà việc tái lập các đường dây nóng giữa hai miền sau 13 tháng ngưng trệ là dấu hiệu “rã băng” đầu tiên.

Tùy thuộc vào ý chí chính trị của hai phía

Sau khi đường dây liên lạc giữa hai miền Triều Tiên được nối lại, trong một tuyên bố, hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên khẳng định “toàn thể nhân dân Triều Tiên mong muốn quan hệ Nam-Bắc sẽ hồi phục càng sớm càng tốt”.

Bà Jalina Porter, Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh việc mở lại các đường dây liên lạc trực tiếp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, khẳng định rằng "ngoại giao và đối thoại là điều cần thiết để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên".

Còn trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh địa phương, ông Park Soo-hyun, Thư ký cấp cao về truyền thông công chúng của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng nước này và Triều Tiên đang đứng ở vạch xuất phát một lần nữa cho mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa.

Đúng là hai nước lại đứng ở vạch xuất phát thêm một lần nữa. Còn từ vạch xuất phát đó tiến bước đến đâu, hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí chính trị của cả hai phía.