Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục hồi kinh tế

Trung Quốc có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5-6% trong lĩnh vực tiêu dùng nội địa. Ảnh: Getty Images

Mục tiêu mở rộng nhu cầu tiêu dùng nội địa

Hôm 14-12, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã công bố kế hoạch mở rộng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Theo kế hoạch này, giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ nâng quy mô đầu tư và tiêu dùng của cả nước lên một tầm cao mới, và thiết lập một hệ thống hoàn chỉnh để phục vụ nhu cầu nội địa.

Đối với tiêu dùng truyền thống, Trung Quốc sẽ nỗ lực nâng cao nguồn cung hàng tiêu dùng cơ bản chất lượng cao, giải phóng tiêu dùng đi lại và thúc đẩy tiêu dùng nhà ở phát triển lành mạnh.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, kế hoạch sẽ tập trung vào tiêu dùng văn hóa và du lịch, dịch vụ chăm sóc người già và trẻ em, đồng thời phát triển thị trường tiêu dùng xanh, ít phát thải carbon.

Kế hoạch cũng hướng tới việc thúc đẩy các loại hình tiêu dùng mới, hỗ trợ sự phát triển tích hợp của tiêu dùng hàng hóa trực tuyến và trực tiếp, đồng thời thúc đẩy một mô hình mới của “Internet kết hợp với các dịch vụ xã hội”.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy tiêu dùng nông thôn bằng cách cải thiện mạng lưới lưu thông nông sản và hệ thống thương mại nông thôn, đồng thời khuyến khích cư dân nông thôn mua ô tô, đồ gia dụng và đồ nội thất.

Tiềm năng của lĩnh vực tiêu dùng tại Trung Quốc

Kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều chuyên gia kinh tế. Chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu, Giáo sư Li Changan tại Học viện Nghiên cứu Kinh tế mở Trung Quốc thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, nhận xét những hướng dẫn mới được đưa ra như một mỏ neo chính sách kịp thời để tập trung thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, một điều rất phù hợp với mục tiêu mô hình phát triển “tuần hoàn kép”.

“Điều đó cho thấy quyết tâm không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, vốn đang phải đối mặt với nhu cầu toàn cầu sụt giảm và những cơn gió ngược từ chủ nghĩa bảo hộ”, Giáo sư Li nói.

Dong Ximiao, chuyên gia nghiên cứu tại Ngân hàng Qinnong, cho biết một nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao tiêu dùng được cho là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ. Điều này cùng với một loạt biện pháp nhằm cải thiện khả năng ứng phó với dịch bệnh, sẽ giúp thúc đẩy niềm tin và kỳ vọng của thị trường, trong bối cảnh tác động từ dịch bệnh lên tăng trưởng kinh tế sẽ có xu hướng giảm dần.

Tian Yun, một chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng Trung Quốc có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5-6% trong lĩnh vực tiêu dùng nội địa.

Cũng theo chuyên gia Tian, các dữ liệu về tiết kiệm hộ gia đình cho thấy, trong những năm qua, tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng hộ gia đình trong nền kinh tế thực của Trung Quốc đã liên tục tăng lên.

Mức chi tiêu tiêu dùng cuối cùng đã chiếm trên 50% GDP của Trung Quốc trong 11 năm liên tiếp, còn doanh số bán ô tô mới tại nước này đã đứng đầu thế giới trong 13 năm liên tiếp.

Các hình thức và mô hình tiêu dùng mới cũng đang phát triển nhanh chóng. Trong năm 2021, doanh số bán lẻ trực tuyến chiếm 24,5% tổng doanh số bán lẻ và chi tiêu bình quân đầu người cho lĩnh vực dịch vụ đạt 44,2% tổng chi tiêu.

Trong khi đó, Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered, lại tỏ ra thận trọng hơn khi cho biết: “Thông điệp từ Chính phủ Trung Quốc đã gửi đi một tín hiệu tích cực và sẽ giúp hồi sinh những kỳ vọng của khu vực tư nhân và nền kinh tế nền tảng. Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các chính sách và hành động cụ thể”.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nhận định: “Trong khi thúc đẩy tiêu dùng là chìa khóa trong các kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, vẫn chưa rõ những chính sách cụ thể nào sẽ được đưa ra để đạt được mục tiêu này”.

Chính quyền địa phương khuyến khích người dân chi tiêu

Trước khi Chính phủ Trung Quốc công bố các kế hoạch mở rộng nhu cầu tiêu dùng nội địa, chính quyền nhiều địa phương tại nước này cũng đã triển khai việc phát phiếu mua hàng giảm giá để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.

Theo một thống kê của Công ty tư vấn Caijing, chỉ riêng trong tháng 12, chính quyền tại 40 địa phương trên khắp Trung Quốc đã áp dụng cách thức này. Các phiếu mua hàng tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như ô tô, thiết bị gia dụng, thực phẩm và đồ uống.

Báo cáo của Caijing chỉ ra rằng, lượng phiếu giảm giá trị giá 40 tỉ nhân dân tệ (5,74 tỉ đô la) được phát hành trong một năm có thể kích thích tiêu dùng 380 tỉ nhân dân tệ (54,54 tỉ đô la).

Chia sẻ với Caijing, một chuyên gia kinh tế cho biết, việc phát phiếu giảm giá cho người dân sẽ không gây ra áp lực lạm phát, bởi nhu cầu tiêu dùng hiện nay vẫn yếu. Thay vào đó, các phiếu giảm giá sẽ góp phần thúc đẩy sức mua và cải thiện niềm tin, đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng.

Đây được coi là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa khiến doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái – cao hơn so với mức dự báo và đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Những thách thức từ sự sụt giảm thu nhập

Tuy vậy, các nỗ lực của Trung Quốc và chính quyền các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh tài sản và thu nhập của các hộ gia đình sụt giảm sau đại dịch.

Zak Dychtwald – nhà sáng lập tổ chức Young China Group chuyên nghiên cứu về người tiêu dùng Trung Quốc chỉ ra rằng, các biện pháp phong tỏa phòng dịch đã buộc nhiều lao động nhập cư phải trở về quê, nơi mức thu nhập mà họ có thể kiếm được chỉ bằng một phần nhỏ so với các thành phố lớn, dẫn tới sự hạn chế đáng kể về sức mua.

Còn theo ông Rory Green, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard, khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc gắn liền với bất động sản. Và trong bối cảnh giá nhà tại Trung Quốc giảm 15%, tài sản của các hộ gia đình cũng bị thiệt hại ít nhất 10%. Ông cho biết, “Bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình, ngân hàng và chính quyền địa phương đều bị thiệt hại nặng nề, và điều này sẽ hạn chế đà phục hồi của tiêu dùng sau đại dịch”.

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Công ty tư vấn Morning Consult, tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đối với tình hình tài chính hiện tại và tương lai đã dần được cải thiện sau khi các chính sách chống dịch được nới lỏng. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, và đã giảm xuống trong tuần trước khi dịch bệnh bùng phát tại các thành phố lớn.

Nguồn: Global Times, Reuters, SCMP, Bloomberg, China Project, China Daily, Barrons

Ngân Diệp