Trước cơn sóng dữ là một thế giới mong manh

Kẻ thù muôn mặt

Được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ trong cơn cuồng phong của đại dịch hồi tháng 4-2021, một chủng mới có tên khoa học là B.1.617.2 - hay còn gọi là biến thể Delta - đang tạo nên sức mạnh mới cho virus SARS-CoV-2. Những yếu tố đột biến làm gia tăng khả năng lây lan lên tới 40-60%, thời gian ủ bệnh lâu hơn, khó phát hiện hơn khiến nó trở lên nguy hiểm hơn rất nhiều.

Từ cuối tháng 6 vừa qua, biến chủng Delta mới thực sự trở thành nỗi ám ảnh của những nhà dịch tễ khi vượt qua biên giới Ấn Độ lây lan khắp nơi. Trong 2 tuần cuối tháng 6, 95% ca dương tính COVID mới ở Anh mang biến thể Delta. Tại Pháp và Đức, số ca lây nhiễm mang biến thể Delta tăng gấp đôi chỉ sau 1 tuần. Tại Nga, chỉ trong ngày 29-6, thành phố St.Petersburg có tới 119 ca tử vong - mức cao kỷ lục theo ngày, hầu hết bệnh nhân xấu số này mang biến thể Delta, thứ cũng đang làm gia tăng mạnh số ca nhiễm trên toàn Nga. Cùng lúc đó, Cục Khoa học y tế Thái Lan cho biết thêm 25,66% số ca nhiễm mới ghi nhận ở Bangkok là các ca nhiễm chủng mới. Tại Mỹ, con số này là 35%, tăng từ tỷ lệ khoảng 10% ghi nhận vào ngày 5-6.

Biến thể Delta đã chọc thủng những tấm khiên vững chắc nhất.

Khi đó, các nhà dịch tễ học đã đưa ra dự báo: Biến thể Delta sẽ nhanh chóng trở thành mũi tấn công chủ đạo của virus SARS-CoV-2, thay thế cho những biến thể từng xuất hiện từ năm 2020. Đáng sợ hơn, cùng lúc, người ta còn phát hiện một biến chủng mới từ Delta gọi là Delta Plus với sức lây lan được đánh giá là còn mạnh hơn cả "người anh" của mình.

Những tấm khiên rạn vỡ

Những ngày đầu tháng 7, châu Âu sôi động với loạt trận ở vòng đấu loại trực tiếp Euro 2020. Những khán đài đầy ắp cổ động viên, bầu không khí náo nhiệt khắp cựu lục địa (đã đạt tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới) vẽ nên một bức tranh tươi sáng về khả năng kết thúc đại dịch COVID-19 trong tương lai gần.

Nhưng, khi mà trái bóng Euro còn chưa kịp ngừng lăn thì tin xấu đã đến. Tại Anh, nơi những trận đấu cuối cùng của Euro 2020 được tổ chức, số ca lây nhiễm mới gia tăng mỗi ngày. Tình hình nghiêm trọng khiến Chính phủ Anh phải cấm không cho các CĐV từ các nước châu Âu lục địa di chuyển vào Anh để cổ vũ cho đội nhà của mình. Có điều, kể cả như thế cũng không ngăn cản được đà lây lan của virus biến thể mới. Trận chung kết Euro 2020 không chỉ đánh dấu một thất bại thể thao của nước Anh, nó còn là một thất bại y tế khi chỉ trong 1 ngày ghi nhận hơn 36.000 ca lây nhiễm mới với 50 trường hợp tử vong vì COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 4-2021. Một cái giá không hề rẻ cho những niềm vui trên các khán đài.

Dĩ nhiên, COVID-19 không chỉ chọn nước Anh làm điểm đến duy nhất. Khắp châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng chóng mặt. Nước Pháp vọt lên hơn 10.000 ca mỗi ngày trong 2 tuần đầu của tháng 7 (so với trước đó giữ ở mức dưới 2.000 ca) và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Mỹ và Israel, những quốc gia đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới. Những loại vaccine mà chúng ta đang có đã không thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của biến thể mới. Nguy cơ về làn sóng chết chóc mới quay về, đúng vào lúc các nước đang hào hứng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, cơn sóng thần thực thụ xảy ra ở châu Á, nơi đã từng là “điểm sáng chống dịch”.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Việt Nam hay Singapore, Australia từng kiểm soát COVID-19 khá tốt trong 18 tháng trước đó giờ cũng phải chứng kiến đợt bùng phát trên diện rộng. Những "tấm khiên" như truy vết, cách ly, khoanh vùng dịch tễ đã bị đâm thủng bởi biến thể Delta. Lúc này, mối lo lớn nhất là virus đã xâm nhập vào cộng đồng.

Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến hoạt động kinh tế ngưng trệ.

Những ổ dịch khổng lồ tại châu Á được phát lộ. Indonesia tăng vọt lên mức 50.000 ca nhiễm mỗi ngày vào trung tuần tháng 7, biến quốc đảo này thành ổ lây nhiễm mới lớn thứ 2 thế giới. Những chuyển biến xấu cũng diễn ra ở Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc. Ấn Độ, quốc gia vừa mới “hoàn hồn” sau thảm họa hồi tháng 5 lại đứng trước viễn cảnh đen tối, khi những ca lây nhiễm tăng trở lại. Một dự báo tồi tệ cho biết có thể sẽ có 500.000 ca nhiễm mới mỗi ngày tại Ấn trong 2 tuần tới nếu không có các biện pháp hạn chế người dân đi lại làm lây lan bệnh dịch. Khắp nơi, dịch bệnh tái bùng phát, để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Một chuỗi domino

Tại Pháp, chính phủ nước này đã phải tái đóng cửa các nhà hàng ở miền Nam và Tây Nam đất nước, nơi mà ngành du lịch chiếm phần lớn nguồn thu. Quyết định này dĩ nhiên bị phản đối mạnh mẽ bởi những chủ nhà hàng vừa hoạt động trở lại chưa được bao lâu nhưng là điều không thể tránh khỏi. Điều đó cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa tình hình dịch bệnh với khả năng hồi phục kinh tế.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom mới đây đã lên tiếng cảnh báo các nước cần tái lập lại các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh việc tiêm vaccine, nhằm ngăn chặn COVID-19 quay trở lại làm ảnh hưởng đà hồi phục của kinh tế thế giới.

Thực tế, nỗi lo của ông Tedros Adhanom là hoàn toàn xác đáng, bởi mở cửa phục hồi kinh tế cũng đồng nghĩa với mở cửa giúp dịch bệnh lây lan. Sau 18 tháng bị dày vò bởi COVID-19, nền kinh tế thế giới lúc này đang rất yếu. Những chỉ số kinh tế khả quan của quý 1, quý 2 năm 2021 chưa đủ để vực dậy các thực thể tê liệt trong thời gian dài. Điều đó dễ dẫn đến những quyết định nóng vội khi nguồn lực đã cạn kiệt. Ngày 19-7, nước Anh vẫn cho mở lại những quán bar bất chấp dịch bệnh đang lây lan trở lại.

Thái Lan từng tuyên bố sẽ mở cửa trở lại vào tháng 7 này thì nay đã phải cách ly 3 thành phố lớn nhất để chống dịch. Indonesia và Ấn Độ đối mặt nỗi lo hệ thống y tế sẽ sụp đổ. Nhật Bản cũng phải kéo dài các lệnh phong tỏa bất chấp Olympic Tokyo đã tới gần. Trung Quốc tái duy trì việc kiểm soát chặt biên giới với các nước, sau khi bị virus xâm nhập trở lại. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương từng phát triển năng động nhất thế giới về kinh tế đang bị bóp nghẹt.

Dịch bệnh bùng phát mạnh tại Đông Nam Á ngăn quá trình chuyển dịch sản xuất xuống khu vực này, vốn được đẩy mạnh từ cuối năm trước. Các nhà sản xuất sẽ lại phải đứng trước bài toán khó là dời đi hay ở lại Trung Quốc. Chuỗi cung ứng một lần nữa có thể bị đứt gãy. Nếu thị trường khổng lồ ở châu Á đóng băng vì đại dịch tái bùng phát, đương nhiên cả nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Dù không thực sự an toàn nhưng ít nhất các nước Âu - Mỹ hay Trung Quốc cũng đã đạt được tiến bộ nhờ vaccine nên có thể mở cửa phần nào. Nhưng, sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine đã để lại hậu quả nghiêm trọng, khi phần còn lại của thế giới vẫn đang vật vã. Nền kinh tế thế giới đã không còn giữ được sự phát triển cân bằng nữa.

Giờ thì tất cả sẽ cùng lãnh hậu quả. Trung Quốc, Mỹ và EU, những nền kinh tế lớn nhất đều đứng trước nguy cơ lạm phát sau khi đã liên tiếp bơm những gói cứu trợ khổng lồ. Họ bắt đầu hụt hơi với đà phục hồi của mình. Không còn nhiều dư địa nữa và lúc này, nếu không thể khơi thông lại sản xuất tiêu dùng ở các khu vực khác, một quãng hỗn loạn mới trước vực thẳm đã lại bắt đầu mở ra.