Trường ĐH chỉ ra những tố chất và kỹ năng cần đó để học ngành Quản trị nhân lực

Quản trị nhân lực (Human Resource Management) là ngành khai thác, quản lý tài nguyên con người của tổ chức một cách hợp lý và hiệu quả. Đây là bộ phận cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, chiêu mộ cũng như phát triển nguồn nhân tài.

Con người luôn được đánh giá là yếu tố nòng cốt, đóng vai trò quyết định cho sự vận hành và phát triển của mỗi tổ chức. Bởi lẽ, bất kỳ một doanh nghiệp, cơ quan nào khi hoạt động đều cần đảm bảo tốt nhất về nhân lực và vật lực.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng nhận thức sâu sắc rằng: để tạo nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giải pháp cần quan tâm nhất là con người.

Ngành Quản trị nhân lực – “Trái tim” của doanh nghiệp

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Ngân - Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Thời điểm hiện nay, với sự phát triển không ngừng của các xu hướng sống và làm việc mới, vai trò của Quản trị nhân lực không chỉ giới hạn ở việc xây dựng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mà còn mang lại những đóng góp to lớn cho sự tiến bộ và phát triển bền vững của xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Ngân - Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

Tất cả các hoạt động quản lý trong một tổ chức nào, cho dù là về tài chính, sản xuất hay tiếp thị, đều có điểm chung là cần quản lý con người. Vì vậy, khả năng thu hút, giữ chân, phát triển và điều hành một đội ngũ nhân lực phù hợp là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi tổ chức.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thông qua các hiệp định như CPTPP hay EVFTA, đã mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng về thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh phương pháp quản trị nhân lực "cũ" để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về lao động, vượt qua các “hàng rào phi thuế quan” của thị trường và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên chính “sân nhà” của mình.

Thêm vào đó, khi con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần, vai trò của Quản trị nhân lực trở nên rõ ràng hơn. Công việc này còn giúp doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc tích cực, hỗ trợ tối đa cho nhân viên; từ đó, đảm bảo bình đẳng và đa dạng trong môi trường lao động, góp phần xây dựng xã hội công bằng, phát triển và tiến bộ.

Như vậy, hoạt động Quản trị nhân lực ngày càng cần trở nên bài bản và tinh tế hơn. Những người làm nhân sự cần đủ kiến thức, kỹ năng và đam mê để giúp doanh nghiệp và xã hội quản lý nguồn lực con người hiệu quả và bền vững.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Trang - Trưởng Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Thương mại nhận định: Quản trị nhân lực là hoạt động cần thiết với bất kỳ một tổ chức hay doanh nghiệp nào.

Đây là hoạt động mang tính chiến lược, không chỉ đảm bảo tổ chức có đủ nguồn nhân lực để thực hiện các hoạt động kinh doanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa tổ chức, tạo ra môi trường làm việc tích cực và thúc đẩy sự phát triển cá nhân cho nhân viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Trang - Trưởng Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Thương mại. Ảnh: NTCC.

Người làm công việc này có vị trí nghề nghiệp rõ ràng trong các tổ chức, gọi là “nghề nhân sự”. Các yêu cầu nghề nghiệp ngày càng được chuẩn hóa và chuyên nghiệp hơn với chứng chỉ nghề như SHRM của Hiệp hội Quản trị nhân sự Hoa Kỳ.

Người học ngành Quản trị nhân lực sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhận ở các vị trí như: chuyên viên tuyển dụng và thu hút nhân tài, chuyên viên đào tạo và phát triển nhân lực, chuyên viên tiền lương và phúc lợi (C&B), chuyên viên đánh giá và quản trị hiệu suất, chuyên viên truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp, chuyên viên đối tác nhân sự (HRBP).

Trong bối cảnh mới, quản trị nhân lực đối mặt với nhiều thách thức mới. Công nghệ ngày càng phát triển, đòi hỏi người làm nghề nhân sự phải nắm vững những kỹ năng, công nghệ mới để quản lý hệ thống thông tin nhân sự, phân tích dữ liệu, và tối ưu hóa quy trình làm việc.

Ngoài ra, với sự phổ biến của làm việc từ xa và mô hình làm việc linh hoạt, đòi hỏi người quản trị nhân sự phải tìm ra cách để duy trì sự kết nối và tương tác giữa các nhân viên, dù họ đang ở bất kỳ nơi đâu.

Bối cảnh mới cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực quản trị nhân sự. Ngành này không chỉ cung cấp các vị trí truyền thống như chuyên viên tuyển dụng, phát triển nhân sự; mà còn mở ra cơ hội cho những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu và tư vấn chiến lược nhân sự.

Sinh viên tốt nghiệp có thể trở thành chuyên gia tư vấn độc lập hoặc khởi sự doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ về nhân sự. Như vậy, cơ hội nghề nghiệp của người học Quản trị nhân lực khá rộng mở.

Chương trình đào tạo phải tiệm cận với kỹ năng “thực chiến”

Theo quan điểm của Phó Giáo sư Trần Văn Trang, nguồn “cung” lực lượng quản trị nhân sự chưa đáp ứng đủ “cầu” trên thị trường lao động về cả hai khía cạnh là số lượng và chất lượng. Dựa vào khảo sát của VietnamWorks về ngành Quản trị nhân lực năm 2023, nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này tăng khoảng 15% so với các năm trước.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại một số cơ sở đào tạo cũng đang chuẩn bị mở thêm ngành học này; tuy nhiên, số các trường đại học trên cả nước đang đào tạo ngành Quản trị nhân lực còn khiêm tốn.

Hơn nữa, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục cải tiến chương trình giảng dạy để sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị nhân lực có năng lực làm việc tiệm cận gần hơn với nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp.

Chương trình, học liệu và các nội dung kiến thức đã được xây dựng khá bài bản. Song, người tốt nghiệp cần được tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, sớm trải nghiệm và tiếp cận thực tế để tích lũy kinh nghiệm và có thể sẵn sàng bước chân vào "thế giới" nghề nghiệp sau khi ra trường.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập và môi trường kinh doanh luôn vận động và thay đổi rất nhanh chóng, người tốt nghiệp phải sử dụng được tiếng Anh và có khả năng thích nghi và tự học tập suốt đời.

Hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2023-2024 tại Trường Đại học Thương mại. Ảnh: NTCC.

Chia sẻ cùng Phó Giáo sư Trần Văn Trang, được biết, Trường Đại học Thương mại vừa mới mở 08 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (International Profession Oriented Program - IPOP), trong đó có ngành Quản trị nhân lực.

Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh 300 chỉ tiêu cho ngành quản trị nhân lực, bao gồm 200 chỉ tiêu cho chương trình chuẩn và 100 chỉ tiêu cho chương trình IPOP. Các chương trình IPOP của Trường Đại học Thương mại có 5 điểm nổi trội:

Thứ nhất, với mong muốn đào tạo sinh viên theo định hướng làm chủ được nghề nghiệp của mình, chương trình được thiết kế với các học phần tăng cường về kỹ năng thực chiến. Sinh viên được tham gia trải nghiệm nghề nghiệp từ sớm, được hướng dẫn thực hành nghề nghiệp bởi các chuyên gia, các nhà quản lý trong các tổ chức, doanh nghiệp có kinh nghiệm làm nghề.

Thứ hai, sinh viên các chương trình IPOP sẽ được tăng cường tiếng Anh để có thể sử dụng thành thạo sau khi ra trường. Ngoài các học phần tiếng Anh với thời lượng được tăng cường, hơn 1/3 các học phần thuộc khối kiến thức liên ngành và chuyên ngành sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Thứ ba, chương trình thiết kế có tính liên thông, liên ngành. Người học trước hết được trang bị kiến thức liên ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh như: quản trị học, marketing, tài chính - kế toán, sản xuất, nguyên lý quản trị nhân sự, khởi sự kinh doanh. Từ năm ba, sinh viên sẽ học chuyên sâu về nghề nhân sự.

Điều này sẽ giúp cho người học có thể chuyển đổi ngành học một cách thuận lợi nếu mong muốn, cũng như có những kiến thức, kỹ năng liên ngành đủ rộng để đáp ứng yêu cầu công việc sau này.

Thứ tư, để tăng cơ hội nghề nghiệp cho người học, nhà trường kết nối mạng lưới đối tác doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành cũng như tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tập nghề nghiệp sớm để tích lũy kinh nghiệm. Các đối tác doanh nghiệp của Khoa bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn như: FPT Telecom, FPT Software, Misa, Viettel Post, CVI Pharma,…

Thứ năm, nhằm nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết bài toán thực tế, sinh viên được khuyến khích trải nghiệm và tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ chuyên môn, đề xuất dự án ngoại khóa trong khuôn khổ được nhà trường tài trợ. Chương trình IPOP cũng ưu tiên bố trí các nguồn lực tốt nhất của trường từ đội ngũ giảng viên, cố vấn đến cơ sở vật chất.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Trần Văn Trang cho hay, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, hằng năm, các cơ sở đào tạo cần tiến hành khảo sát với người học và người sử dụng lao động để nhận các phản hồi về chương trình và các đánh giá về chất lượng sinh viên tốt nghiệp, từ đó có thể điều chỉnh chương trình cũng như các nội dung kiến thức giảng dạy.

Mặt khác, nếu các trường và các khoa được giao tính tự chủ cao hơn, thì đơn vị đào tạo sẽ có khả năng linh hoạt hơn trong triển khai chương trình đáp ứng yêu cầu xã hội. Muốn người học có chất lượng tốt thì người dạy cần có chuyên môn tốt. Do đó, việc nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng thực tiễn cho giảng viên cũng là yếu tố rất quan trọng.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư Vũ Hoàng Ngân chia sẻ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường hội nhập và gắn kết với thực tiễn. Hiện nay, trường đang thực hiện đổi mới toàn diện, thực hiện kiểm định quốc tế chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh, chuẩn hóa và cung cấp đầy đủ hệ thống học liệu tiên tiến nhất cho người học.

Khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NTCC

Nhà trường tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo thông qua việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên kiêm chuyên gia từ các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài; nâng cao hiệu quả của các bài tập tình huống, chuyến tham quan thực tế và kỳ thực tập.

Đối với ngành Quản trị nhân lực nói riêng, Khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực nói chung, thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, hội thảo chuyên ngành với các giám đốc, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Đây là những cơ hội để sinh viên có thể thực hành và bắt nhịp công việc ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, Khoa định kỳ tổ chức rất nhiều các chương trình thực tế như “CV Review”, “CV Tips for Internship”, “Mock interview”, “HR internship connection”, “Trao đổi kỹ năng tuyển dụng, đào tạo, quản trị nhân lực quốc tế”,...

Ngành Quản trị nhân lực của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được mở ra từ năm 1993, xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Cho đến nay, quy mô tuyển sinh cũng như nhu cầu của xã hội ngày càng tăng. Theo kế hoạch năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển 120 sinh viên ngành Quản trị nhân lực hệ đại trà và 50 chỉ tiêu cho chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tích hợp chứng chỉ nhân sự quốc tế.

Lời khuyên dành cho người học ngành Quản trị nhân lực

“Ngành Quản trị nhân lực là một lựa chọn tốt và có cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở. Song các em học sinh cần cân nhắc kỹ theo sở thích, mong muốn, tố chất và mục tiêu tương lai của mình.

Để thành công trong ngành Quản trị nhân lực, người học cần có những tố chất và kỹ năng nhất định như sự trung thực, kỹ năng giao tiếp tốt, hướng ngoại, thích kết nối và làm việc với người khác. Sự đồng cảm và tinh tế cũng là những tố chất quan trọng của người làm nghề nhân sự”, Phó Giáo sư Trần Văn Trang chia sẻ.

Sinh viên ngành Quản trị nhân lực, Trường Đại học Thương mại. Ảnh: NTCC

Còn theo Phó Giáo sư Vũ Hoàng Ngân, để bước vào theo đuổi ngành Quản trị nhân lực, sinh viên cần nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu rõ về các nguyên lý nền tảng, bao gồm: tuyển dụng, đào tạo, quản lý hiệu suất, thù lao lao động, quản trị đa dạng và hòa nhập,... Đây là cơ sở để áp dụng các kỹ năng và phương pháp vào thực tế.

Tiếp theo, người học cần phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, khả năng lãnh đạo, quản lý thời gian, xử lý xung đột và làm việc nhóm; không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới; xây dựng mạng lưới quan hệ để được tư vấn chuyên môn.

Ngoài ra, sinh viên cần có sự tự tin và tính kiên nhẫn trong việc phát triển sự nghiệp trong ngành Quản trị nhân lực. Bởi, đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực.

Người học ngành Quản trị nhân lực sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhận ở nhiều vị trí việc làm khác nhau. Ảnh: NTCC

Nguyễn Song Nguyệt - Cựu sinh viên lớp Quản trị nhân lực 61A, Thủ Khoa ngành Quản trị nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sinh viên theo đuổi ngành này nên vừa trau dồi lý thuyết, vừa rèn luyện thực hành. Điều này sẽ giúp các bạn dễ dàng hình dung, nắm bắt và ứng dụng hơn các kiến thức về quản trị nhân lực và tài chính kinh doanh vốn đã mang tầm vĩ mô.

Sinh viên cũng nên tạo dựng thói quen rèn luyện kỹ năng mềm, làm việc nhóm với mọi người ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Người làm Quản trị nhân lực nên đầu tư vào kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và đặc biệt chuẩn bị trước năng lực ngoại ngữ, tin học văn phòng,... trước khi tham gia vào thị trường lao động. Điều này sẽ tăng cơ hội việc làm được rộng mở hơn.

Trong quá trình học tập, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hằng năm tổ chức chuỗi chương trình “CV review” - buổi phỏng vấn mô phỏng dựa trên thực tế. Tại sự kiện này, sinh viên được nộp CV về để các cựu sinh viên của Khoa làm trong tập đoàn lớn và chuyên về mảng tuyển dụng cũng như các thầy cô sẽ nhận xét trực tiếp cho các bạn đỡ bỡ ngỡ khi bước chân vào thị trường lao động. Từ đó, người học sẽ nhận biết được bản thân đang thiếu kỹ năng nào để đầu tư, trao dồi thêm vào đó.

Được biết, Nguyễn Song Nguyệt đang công tác tại vị trí Nhân sự tổng hợp của một tổ chức về lĩnh vực giáo dục tại Hà Nội. Thủ khoa ngành học chia sẻ mức thu nhập khởi điểm của vị trí nhân viên Quản trị nhân sự là từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Sau 2-3 năm kinh nghiệm, người làm được thăng tiến lên vị trí chuyên viên Quản trị nhân sự thì sẽ có mức lương trung bình trên 15 triệu đồng/tháng.

Nguyễn Song Nguyệt - Cựu sinh viên lớp Quản trị nhân lực 61A, Thủ khoa ngành Quản trị nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

Có thể nói, hiện nay, khâu quản trị nhân lực ở một số công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chưa được thực hiện chuyên sâu và đạt được chất lượng so với thực tế ở nhiều nước trên thế giới. Một số doanh nghiệp, tổ chức vẫn có định kiến rằng, đây là bộ phận không tạo ra doanh thu trực tiếp nên chưa đề cao hoàn toàn.

Tuy nhiên, về thực chất, quản trị nhân lực là một bộ phận rất quan trọng, đóng vai trò duy trì hệ thống doanh nghiệp được phát triển một cách “khỏe mạnh”. Song, ngành nghề này đang dành được nhiều sự quan tâm hơn ở nước ta, dần có sự đầu tư chỉn chu và phát triển toàn diện.

Lưu Diễm