Ưu tiên dẫn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Cán bộ Agribank Chi nhánh Gia Viễn giao dịch lưu động tại xã Gia Trung.

Từ nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo nguồn lực góp phần hình thành hàng nghìn mô hình kinh tế có tiềm năng, hiệu quả, trong đó nhiều mô hình cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Bùi Thị Cúc ở thôn 7, xã Gia Lâm là một trong những khách hàng truyền thống, luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vốn của Agribank trong nhiều năm qua. Năm 2015, được Agribank huyện Nho Quan tạo điều kiện cho vay vốn, chị mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đến nay, chị Cúc có 8 trại chăn nuôi, mỗi trại có quy mô từ 1-5 ha, thường xuyên duy trì 200 lợn nái sinh sản, 2.000 con lợn thịt, 5 vạn gà Ai Cập đẻ trứng, 30 con bò và 1 nghìn con vịt. Ước tính sau khi trừ các loại chi phí, mỗi năm gia đình chị có lãi trên 1 tỷ đồng từ các con nuôi.

"Không chỉ cung cấp vốn để đầu tư phát triển sản xuất, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Agribank huyện Nho Quan luôn đồng hành, chia sẻ với người vay vốn bằng những chính sách thiết thực như: gia hạn thời gian vay vốn, giảm lãi suất, tạo điều kiện tiếp cận thêm nguồn vốn mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là nguồn động viên lớn để gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương." - Chị Cúc phấn khởi cho biết.

Mô hình trồng nấm lâu năm của ông Trần Văn Tư, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh cũng nhờ vốn của Agribank mà phát triển đi lên. Ông Tư cho biết: Từ sự hỗ trợ của Agribank, gia đình ông có vốn để đầu tư mở rộng lán trại từ vài trăm m2 ban đầu lên đến 2.000 m2 với các loại nấm chủ lực được quay vòng quanh năm như: Sò, linh chi, mộc nhĩ.

Cùng với bán nấm tươi, gia đình ông Tư còn có sản phẩm chế biến từ nấm là rượu linh chi và linh chi thái lát. Trong đó sản phẩm nấm linh chi đóng gói 200g đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ước doanh thu mỗi năm từ trồng nấm có thể đạt tới hàng tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi 700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Cán bộ của Agribank thăm mô hình trồng nấm của ông Trần Văn Tư, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh .

"Khó khăn lớn nhất của người nông dân hiện nay là thiếu vốn và khó tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi. Nguồn vốn phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn được ví như luồng gió mát, giúp người nông dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng" - Ông Tư nói.

Với kinh nghiệm lâu năm và nền tảng tài chính vững chắc, Agribank Ninh Bình đã thực sự trở thành người bạn thân thiết, luôn đồng hành cùng nông dân tại các vùng nông thôn của tỉnh. Tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Ninh Bình tính đến ngày 31/12/2022 đạt 13.485 tỷ đồng, chiếm 62,3% so với tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 7.001 tỷ đồng so với năm 2015.

Tăng trưởng tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tập trung theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao suất đầu tư tín dụng/khách hàng; tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần hạn chế tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho từng gia đình, cá nhân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở khu vực nông thôn.

Để đáp ứng nhanh, kịp thời và tốt nhất nhu cầu vốn phát triển kinh tế của bà con nông dân, Agribank Ninh Bình đã xây dựng mạng lưới hệ thống phòng giao dịch, điểm giao dịch phủ khắp địa bàn nông thôn. Đồng thời ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức hội, các huyện, thành phố và 143/143 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai thực hiện các nội dung về thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ người dân, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribank đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi; chương trình hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; chương trình giảm 10% lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV; chương trình miễn giảm phí dịch vụ chuyển tiền, thanh toán...

Cùng với các chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Agribank Ninh Bình còn đẩy mạnh triển khai cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới đến toàn bộ các xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay doanh số cho vay lĩnh vực này đạt 40.509 tỷ đồng và dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới chiếm 41% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Không dừng lại ở nhiệm vụ kinh doanh hiệu quả, phục vụ tốt cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn, các chi nhánh Agribank Ninh Bình còn quan tâm thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, công tác an sinh xã hội. Ước tính, Agribank Ninh Bình đã hỗ trợ gần 100 tỷ đồng xây dựng các công trình nông thôn mới, các công trình an sinh xã hội và thực hiện nhiều hoạt động xã hội từ thiện.

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, nguồn vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đề ra về đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Bài, ảnh: Hồng Giang