Vai trò bí ẩn của 'Quân đoàn châu Phi' Nga khi hiện diện tại Libya

Hiện tại xuất hiện quan điểm cho rằng Quân đoàn châu Phi của Nga sẽ hỗ trợ lực lượng vũ trang của Nguyên soái Haftar trong chiến dịch quân sự mới như những gì lính Wagner đánh thuê đã làm trước kia.

Trước tình hình trên, người đứng đầu chính quyền miền Tây Libya - ông Sadiq al-Gharyani đã kêu gọi đoàn kết trước “sự hiện diện bất hợp pháp của binh sĩ Nga”, khi cáo buộc họ đang cố tình chia cắt Libya.

Tuy vậy theo nhà Đông phương học người Nga - ông Kirill Semenov, quan điểm trên hoàn toàn sai lầm, sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Libya nhằm mục đích hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động ở Burkina Faso, Mali, Niger và Cộng hòa Trung Phi.

Hàng hóa quân sự của Nga đến phía Đông Libya sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của Quân đoàn châu Phi (Afrika Korps), do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Evkurov chịu trách nhiệm giám sát.

Cần nhấn mạnh, Afrika Korps bao gồm các cựu nhân viên của Tập đoàn Wagner và các nhà thầu quân sự tư nhân có quan hệ với các công ty Nga đang hoạt động ở Châu Phi.

Các căn cứ không quân tại Libya như Al Jufra đóng vai trò là địa điểm xuất phát, trước khi đưa các binh sĩ Nga về phía Nam, tới Burkina Faso, Mali, Cộng hòa Trung Phi và Niger.

Có ước tính cho biết số lượng binh sĩ Nga ở miền Đông Libya vào khoảng từ 1.000 đến 1.500 người, họ đang cản trở hành động của một số nhóm vũ trang thân phương Tây muốn chiếm giữ các mỏ dầu lớn, điều đã từng xảy ra nhiều lần trước đây.

Mặc dù thực tế là sự hiện diện của Nga ở Libya không nhằm mục đích hỗ trợ Nguyên soái Haftar, nhưng các lực lượng nằm ở Tây đất nước vẫn luôn giữ quan điểm đề phòng cao độ.

Trước tình hình trên, chuyên gia Semenov gợi ý: "Sẽ là một ý tưởng hay nếu các nhà ngoại giao và binh sĩ Nga giải thích kỹ hơn về các mục tiêu của việc triển khai Quân đoàn châu Phi tới Libya".

"Bên cạnh đó cần phải tiến hành đối thoại với các đại diện có ảnh hưởng của chính quyền Tây Libya để giải quyết vấn đề, loại bỏ tất cả lo ngại về mục đích và mục tiêu thực sự của Nga, xoa dịu những bất an của họ".

Ngoài ra theo vị chuyên gia, những người ủng hộ ông al-Garyani đang muốn duy trì ảnh hưởng và vị thế lực lượng vũ trang của họ, luôn muốn mở một chiến dịch quân sự chống lại Nguyên soái Haftar.

Lực lượng này sẵn sàng sử dụng yếu tố tuyên truyền "mối đe dọa quân sự từ Nga" để tập hợp thêm những người ủng hộ, bất chấp thực tế là sự hiện diện của Nga ở Libya không nhằm mục đích chống lại họ.

Nói chung thì tình hình Libya vẫn phức tạp và bất ổn khi những bất đồng giữa các nhóm chính trị và tôn giáo khác nhau đang "xé nát" quốc gia Bắc Phi này.

Không chỉ có vậy, lợi ích kinh tế và địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với một vài tác nhân bên ngoài, đi kèm bất ổn thường trực trong nước đã “chôn vùi” bản kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng sản lượng khai thác dầu thô lên 2 triệu thùng mỗi ngày.

Trong điều kiện này, sự hiện diện của binh sĩ Nga ở Libya có thể trở thành yếu tố duy trì ổn định, giúp ngăn chặn xung đột leo thang và thúc đẩy một giải pháp hòa bình.

Nhưng theo ông Kirill Semenov, các quốc gia phương Tây đang cố gắng sử dụng một cách tiếp cận hoàn toàn khác, họ đang cố gắng đẩy Nga ra khỏi Libya, hoặc cố kéo Moskva vào cuộc xung đột mới.