Vấn đề đau đầu của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Duesseldorf, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Giám đốc điều hành (CEO) của quỹ tài sản lớn nhất thế giới Norges Bank Investment Management (NBIM), Nicolai Tangen, thị trường tài chính thế giới còn nhiều biến động và “mối lo ngại lớn” của các nhà đầu tư hiện nay là sự hồi phục của giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến triển vọng ạm phát. Phát biểu với kênh truyền hình CNBC (Mỹ) hôm 23/4, chuyên gia Tangen cho biết giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt có thể là một vấn đề đau đầu của các ngân hàng trung ương lớn khi các cơ quan này đang nỗ lực chống lạm phát. Tính đến chiều ngày 23/4, chỉ số S&P GSCI, chỉ số chuẩn theo dõi hoạt động của thị trường hàng hóa toàn cầu, đã tăng 9% tính từ đầu năm, vượt xa mức tăng của chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ. Cụ thể, giá dầu và kim loại đồng tăng lần lượt khoảng 13%, trong khi giá vàng liên tục lập kỷ lục mới trong những tháng gần đây.

Xu hướng hàng hóa tăng giá đã đem đến nỗi lo về lạm phát. Chuyên gia Tangen phân tích, nếu giá năng lượng và nguyên liệu thô tiếp tục bị đẩy lên cao, điều đó sẽ tác động đến giá sản phẩm cuối cùng và nguy cơ lạm phát, đang trên đà giảm, sẽ bật tăng trở lại. NBIM quản lý Quỹ Hưu trí Toàn cầu của Chính phủ Uy. Đây là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 3/2024, quỹ này chịu trách nhiệm quản lý 17.700 tỷ kroner (tương đương 1.600 tỷ USD) tiền vốn và đầu tư vào hơn 8.800 công ty tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, đã phát đi tín hiệu về tác động của giá hàng hóa đối với triển vọng lạm phát, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các bước đi tiếp theo của lãi suất. Bà Lagarde cho biết, ECB vẫn đang trong quá trình xem xét cắt giảm lãi suất, nhưng nhấn mạnh rằng cơ quan này sẽ cần phải “cực kỳ chú ý” đến biến động giá hàng hóa để ngăn chặn mọi cú sốc lớn. Trong những tháng gần đây, lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng chậm lại và dừng ở mức 2,4% vào cuối tháng Ba. Các thị trường lạc qua tin rằng, trong bối cảnh tích cự đó, ECB sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ và giảm lãi suất, thậm chí có thể hành động sớm hơn cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, các báo cáo mới phát hành đều cho thấy lạm phát của Mỹ hiện ở mức khoảng 3% và sẽ không thay đổi đáng kể trong vài tháng tới. Theo công cụ đo lường FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch dự đoán khoảng 13% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, giảm 70% so với tỷ lệ dự đoán đo lường vào tháng trước. CEO Tangen cho biết NBIM dự báo sẽ rất khó khăn để các ngân hàng trung ương có thể đưa lãi suất trở lại mức mục tiêu 2% và các quyết định lãi suất sẽ được thực hiện tùy thuộc vào áp lực lạm phát tại từng quốc gia. Đánh giá về nguyên nhân gây ra lạm phát, ông Tangen nói chúng bao gồm tổ hợp của nhiều yếu tố, như căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu gây tác động tiêu cực tới mùa màng, xung đột ở Trung Đông làm thay đổi tuyến đường thương mại thế giới và lạm phát tiền lương cao hơn dự đoán. Ông cho biết thêm các ngân hàng trung ương lớn sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 hơn so với kỳ vọng của thị trường. Nhưng các nhà đầu tư đã đón nhận thông tin này tương đối tốt và không có nhiều phản ứng tiêu cực xuất hiện trên các thị trường.

Diệu Linh (Theo CNBC)