Vận động viên nam được mô tả sức mạnh, tuyển thủ nữ bị nói về nụ cười

Khi Rebecca Smith xem thi đấu bóng đá giữa New Zealand với Mỹ tại Olympic Tokyo 2020 tuần trước, cô đã bị bối rối, không chỉ vì sức mạnh đáng kinh ngạc của các cầu thủ.

Theo dõi trận đấu từ London, bình luận viên người Anh liên tục gọi nhầm tên tiền đạo người Mỹ. Bài bình luận về trận đấu giữa Anh và Hà Lan cũng có bình luận viên gọi sai tên hai cầu thủ, nhầm lẫn Phil Neville vẫn là huấn luyện viên của đội Anh, dù ông đã rời đi từ tháng một.

Đối với Smith, cầu thủ từng 2 lần tham gia Olympic và cũng là đội trưởng đội tuyển New Zealand, điều này đã xảy ra với cô và các đồng nghiệp từ khi mới bước chân vào nghề.

“Tôi chưa từng cảm thấy giới truyền thông thực sự quan tâm đến trận đấu, theo dõi trận đấu hoặc hiểu chuyên sâu về trận đấu”, cầu thủ Smith nói với CNN.

Theo Smith, tình huống một số bình luận viên chưa thuộc tên vận động viên Olympic, một việc làm tối thiểu, về cơ bản củng cố định kiến “không ai xem, không ai quan tâm đến bóng đá nữ hoặc các vận động viên nữ”.

Chưa thể xóa bỏ bất bình đẳng

Tuy có tỷ lệ cao kỷ lục vận động viên nữ tham gia Olympic Tokyo 2020, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, với việc trẻ hóa và tình dục hóa vận động viên nữ.

Trước thềm Olympic Tokyo 2020, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ban hành hướng dẫn mới cho các phương tiện truyền thông nhằm khuyến khích đặt vấn đề bình đẳng giới lên hàng đầu.

IOC yêu cầu truyền thông tránh việc tình dục hóa vận động viên nữ, đối xử liêm chính với mọi vận động viên, thay vì tập trung một cách “không cần thiết vào ngoại hình, quần áo hoặc các bộ phận cơ thể nhạy cảm”.

Rebecca Smith tranh bóng với Kozue Ando trong trận đấu giữa Nhật Bản và New Zealand tại FIFA World Cup 2011. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, ngay cả cố vấn bình đẳng giới của IOC, cựu tuyển thủ bơi lội Naoko Imoto cũng khẳng định nước chủ nhà Nhật Bản đã thất bại trong vấn đề mà họ tự đặt ra quy định.

Tuần trước, chính bà đã chỉ ra rằng đài truyền hình Nhật Bản vẫn sử dụng từ “cô gái”, “người vợ”, “bà mẹ” khi gọi vận động viên nữ, thay vì chỉ gọi họ là “vận động viên” thuần túy.

Còn cầu thủ Rebecca Smith chỉ ra trong trận bóng đá tại Olympic vào tuần trước, mái tóc đuôi ngựa vàng hoe của cầu thủ đội Anh là chủ đề chính để bàn luận, hay một bình luận viên nam nói về nụ cười “tuyệt đẹp” của cầu thủ bóng bầu dục.

Mô tả phần thi đấu bằng đời sống cá nhân

Các học giả cho biết bình luận viên vẫn sử dụng từ “cô bé” để mô tả vận động viên nữ, bất kể tuổi tác, trong khi hiếm khi gọi vận động viên nam là "cậu bé".

Janet Fink - chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị vận động viên và thể thao nữ, Phó hiệu trưởng Đại học Massachusetts Amherst - cho rằng thật khó hiểu khi vào năm 2021, vẫn có người gọi vận động viên nổi tiếng thế giới là một cô bé. “Nếu đổi lại, một bình luận viên gọi vận động viên nam là cậu bé thì thực sự hài hước”.

Bà Fink tin rằng cách gọi đó có tác động đến việc mọi người nhìn nhận vận động viên nữ, nhưng vẫn chưa rõ điều này tác động thế nào đến cách vận động viên nữ tự nhìn nhận họ.

“Tôi đoán chắc họ sẽ khó chịu trước những bình luận như vậy”, bà nói.

Một nghiên cứu của Nielsen Sports năm 2018 cho thấy vào thời gian cao điểm, độ phủ sóng môn thể thao của nữ giới trên khắp châu Âu chỉ dao động từ 2% đến 12%.

Nghiên cứu vào năm 2016 của Đại học Cambridge phát hiện ra nam giới được nhắc đến nhiều hơn gần ba lần so với nữ giới trong báo chí về thể thao nói chung. Ngôn từ sử dụng cho vận động viên nữ sa đà vào tính thẩm mỹ và cuộc sống cá nhân của họ.

Thu thập từ cơ sở dữ liệu hàng tỷ từ ngữ từ bản tin tiếng Anh của nhiều nguồn, nghiên cứu cho thấy nam giới được coi là có lợi thế cạnh tranh trong thể thao, với các từ như “nhanh nhất”, “mạnh mẽ”, "đánh bại”, “chiến thắng” và “thống trị”.

Trong khi đó, truyền thông mô tả vận động viên nữ bằng các từ như “già”, “mang thai”, “kết hôn”, “ganh đua”, “phấn đấu”.

Các vận động viên tranh tài trong trận chung kết tiếp sức 4x400m nam nữ hỗn hợp tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: CNN.

Văn hóa là gốc rễ

“Tôi cho rằng cách đưa tin về thể thao phản ánh xã hội. Khi xã hội thay đổi, cách đưa tin cũng thay đổi”, giáo sư Toni Bruce, chuyên gia về xã hội học thể thao tại Đại học Auckland nói với CNN.

Bà giải thích New Zealand là một ví dụ điển hình về sự thay đổi trong xã hội dẫn đường cho sự thay đổi trong cách đưa tin thể thao. 12 kênh phát sóng về Olympic tại New Zealand sử dụng khá tốt thuật ngữ trung lập về giới tính. Bình luận viên sử dụng các từ như “sức mạnh” và “khả năng” khi nói về vận động viên nữ.

Nền tảng cho cách thức sử dụng ngôn ngữ như vậy là cam kết mang tính cấu trúc của New Zealand đối với bình đẳng giới: Quốc gia này đứng ở vị trí thứ tư về bình đẳng giới, theo Chỉ số Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021.

Theo bà Bruce, khi xã hội cam kết thực hiện bình đẳng giới và thể thao nữ phát triển, cùng với sự đa dạng trong cách đưa tin của bình luận viên, những tiến bộ đáng kể sẽ diễn ra.

Trong khi đó, ở Đức, các phương tiện truyền thông tiếp tục duy trì những định kiến hẹp hòi với cầu thủ nữ, ngay cả khi đội của Đức đã ba lần lên ngôi vô địch châu Âu.

Mặc dù là quê hương của bóng đá, Anh lại từng cấm nữ giới tham gia vào môn thể thao vào 1921. Lệnh cấm này đã kéo dài trong 50 năm.

Cầu thủ Rebecca Smith cho rằng những rào cản vẫn còn, khi nữ sinh không thể chơi hoặc tiếp cận cơ hội tham gia bóng đá như nam sinh. Nhiều người vẫn khuyến khích nữ sinh chơi bóng lưới tại Anh.

Bắt nguồn từ hiểu biết của xã hội về phân biệt giới tính

Bản chất tách biệt của thể thao ghi nhận trong nghiên cứu năm 2016 của Cambridge. Báo cáo chỉ ra phần duy nhất nữ giới chiếm nhiều hơn trong các bài báo là ở phần mô tả các môn thể thao “khác”. Điều này cho thấy môn thể thao mà nam giới tranh tài thường được coi là chuẩn mực.

Bóng rổ, golf, bóng đá và đua xe đạp thường được gọi bằng tên. Trong khi nếu vận động viên nữ tham gia các môn này, môn thể thao sẽ chuyển thành “bóng rổ nữ, golf nữ, bóng đá nữ”.

Kyoung-yim Kim, trợ lý giáo sư tại khoa Khoa học thực hành tại Đại học Boston, giải thích vấn đề trẻ hóa và “định khung” xung quanh thành tích phụ nữ trong thể thao bắt nguồn từ sự hiểu biết của xã hội về tách biệt giới.

Mima Ito và Jun Mizutani của Nhật Bản trong trận đấu bóng bàn đôi nam nữ tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: New York Times.

Bà Kim cho rằng IOC vẫn còn nhiều lỗ hổng. Thực tế không có phái đoàn nào thuộc giới tính thứ 3 hay liên giới tính tại Olympic. Quy định xác minh giới tính trong thể thao để quyết định phụ nữ có được phép tham gia môn thể thao đó hay không vẫn tồn tại.

"IOC và toàn bộ cấu trúc thể thao về cơ bản vẫn thể hiện các hình thức phân cấp và phân biệt giới tính", bà Kim nói.

IOC cho biết đang phát triển hướng dẫn mới nhằm đảm bảo các vận động viên - bất kể bản dạng giới hay đặc điểm giới tính - có thể tham gia tranh đấu một cách an toàn và công bằng.

Cầu thủ Rebecca Smith cho rằng thay đổi có thể diễn ra bằng một vài quy định, ví dụ như đặt quyền hạn cho bình luận viên, đầu tư cho nữ giới và đa dạng hóa nhân tài ở cấp điều hành.

Nếu không có những cam kết đó, chu kỳ này sẽ tiếp tục. Thế hệ tiếp theo sẽ không phát huy hết tiềm năng của họ.

"Nếu chúng ta liên tục đưa ra những thông điệp bất bình đẳng giới, phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính, chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ thiếu hiểu biết và thiếu tính toàn diện”, Smith nói.

Phương Linh

Theo: CNN