Vì sao gia tăng các ca tái nhiễm Covid-19?

BS CKII Huỳnh Văn Bình, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: nhiều nghiên cứu cho thấy, trước khi xuất hiện Omicron, bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh ít có nguy cơ tái nhiễm, ít nhất là trong nhiều tháng. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã làm đảo lộn tất cả.

Theo phân tích của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron cao hơn 16 lần so với Delta.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bằng chứng cho thấy người từng nhiễm Covid-19 có thể dễ tái nhiễm với Omicron hơn so với các biến thể khác.

Trả lời câu hỏi: “Vì sao một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, sau khi nhiễm có miễn dịch lâu dài, thậm chí suốt đời, nhưng Covid-19 lại tái nhiễm?”, BS Bình giải thích: đối với dòng virus cúm, đặc biệt là virus SARS-CoV-2 do khả năng biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh,. Thậm chí, chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó nhờ vaccine hay nhiễm tự nhiên. Do đó tình trạng tái nhiễm có thể xảy ra sau khi đã mắc Covid -19.

Hiện vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về “tái nhiễm”, tuy nhiên CDC Hoa Kỳ và các tổ chức y tế thế giới phát triển ví dụ như Liên hiệp Anh đã đưa ra định nghĩa tái nhiễm là sau từ 60 – 90 ngày kể từ khi nhiễm lần đầu, người bệnh có kết quả dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm Covid-19

Ngoài các biến thể mới xuất hiện và khả năng miễn dịch suy giảm, có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm.

Thứ nhất là độ tuổi, những người dưới 65 tuổi thì khả năng tái nhiễm thấp hơn những người trên 65 tuổi

Bệnh nhân Covid-19 không tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn bệnh nhân Covid-19 đã tiêm chủng và cũng có thể mắc bệnh nặng hơn. Những người bị suy giảm miễn dịch và có bệnh lý nền như bệnh thận mạn, đái tháo đường khó kiểm soát cũng dễ bị tái nhiễm hơn – BS Huỳnh Văn Bình thông tin thêm.

Sau 60-90 ngày một người khỏi Covid-19 rồi nhiễm lại mới được xem là tái nhiễm.

Luôn thực hiện 5K, tiêm đủ mũi vaccine

Theo BS Bình, đời sống của virus trong cơ thể chúng ta khá dài nên một số trường hợp sau khi xét nghiệm âm tính, hồi phục nhưng tải lượng virus vẫn còn nhưng không đủ khả năng lây lan nhưng vẫn còn tiềm ẩn trong cơ thể nên người ta gọi là nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài.

Vì thế, BS Bình khuyến cáo: khi người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính không có nghĩa là đã “thoát”, mà cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng để chống lại các đợt tấn công mới, vì sau này nguy cơ tái nhiễm vẫn còn rất lớn.

Dù với biến thể nào, virus SARS-CoV-2 vẫn không thay đổi đường lây và cơ chế lây nhiễm. Vì vậy, tuân thủ các biện pháp phòng dịch vẫn là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe./.

Phạm Trang/VOV2