WHO: Covid vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu nhưng có thể chấm dứt trong năm 2023

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Getty Images

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, bước vào năm thứ 4 của Covid-19, đại dịch này vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho biết đại dịch đang ở "giai đoạn chuyển tiếp" và bày tỏ hy vọng thế giới sẽ thoát khỏi tình trạng khẩn cấp trong năm nay.

“Chúng tôi vẫn hy vọng rằng trong năm mới, thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn mới mà ở đó chúng ta giảm được các ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 xuống mức thấp nhất có thể, và hệ thống y tế có thể ứng phó với Covid-19 theo cách bền vững và trọn vẹn”, ông Tedros nói.

Hôm thứ Sáu, hội đồng khẩn cấp của WHO đã họp và thống nhất rằng virus gây ra đại dịch Covid-19 - được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 - vẫn đang ở trong tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại trên toàn cầu. Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO. Tổ chức này lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 vào tháng 1/2020.

Tình trạng khẩn cấp (PHEIC) tạo ra một thỏa thuận giữa các quốc gia để tuân thủ các khuyến nghị của WHO trong việc kiểm soát dịch bệnh. Về phần mình, mỗi quốc gia cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của riêng mình. Đây có thể là những tuyên bố có giá trị pháp lý để chính quyền các nước huy động nguồn lực và bỏ qua các quy định nhằm ứng phó với khủng hoảng.

Mỹ hiện vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp về khỏe cộng đồng. Tình trạng này được Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Xavier Becerra gia hạn lần gần đây nhất vào ngày 11/1/2023.

Trong phát biểu ngày 30/1, ông Tedros nói rằng thế giới giờ đây đang ở tình trạng tốt hơn rất nhiều so với khoảng một năm trước, khi biến thể Omiron bắt đầu lan rộng trên toàn cầu. WHO ước tính ít nhất 90% dân số thế giới đã có miễn dịch với Covid ở mức độ nào đó nhờ tiêm viccine hoặc từng nhiễm virus.

Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong hàng tuần vì Covid trên toàn thế giới hiện đã giảm 70% so với mức đỉnh khi biến thể Omicron lan rộng vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, số ca tử vong bắt đầu tăng trở lại vào tháng 12 năm ngoái khi Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới - đối mặt làn sóng lây nhiễm lớn chưa từng thấy sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch và mở cửa trở lại.

“Các biện pháp giám sát và giải trình tự gen để xét nghiệm đã giảm đáng kể, gây khó khăn cho việc theo dõi các biến thể của Covid và phát hiện những biến thể mới”, ông Tedros nói tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ) hôm thứ Sáu. “Số lượng người cao tuổi được tiêm vaccine đầy đủ quá ít và nhiều người không được tiếp cận với thuốc kháng virus”.

Do đó, ông cảnh báo các quốc gia không được đánh giá thấp dịch bệnh.

“Dịch bệnh này đã và sẽ tiếp tục khiến chúng ta bất ngờ, sẽ tiếp tục khiến nhiều người tử vong nếu như chúng ta không hành động nhiều hơn để mang tới công cụ y tế cho những người cần chúng và xử lý triệt để tình trạng thông tin sai lệch”, ông nói thêm.

Tổng giám đốc WHO khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân và đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng định kỳ, đồng thời tăng cường giám sát dịch bệnh và duy trì hệ thống y tế mạnh. Bên cạnh đó, các nước cũng cần tiếp tục đấu tranh chống lại thông tin sai lệch và điều chỉnh các biện pháp đi lại quốc tế dựa trên đánh giá về rủi ro dịch bệnh.

Tháng trước, Tổng giám đốc WHO nói rằng thế giới đang tiến gần tới giai đoạn chấm dứt tình trạng khẩn cấp đại dịch Covid-19 hơn bao giờ hết. Vào mùa thu năm ngoái, ông cũng nói rằng đại dịch sắp chấm dứt.

“Chúng ta chưa bao giờ ở trong tình trạng tốt hơn để chấm dứt đại dịch. Dù chưa đến thời điểm đó nhưng việc chấm dứt đại dịch đã ở trước mắt”, ông Tedros nói với báo giới tại Geneva vào tháng 9 năm ngoái.

Trang Linh