WHO nhận định đáng lo ngại về tình hình COVID-19 ở Trung Quốc

Trong suốt 3 năm qua, chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc đã giữ cho số ca nhiễm và tử vong của nước này ở mức tương đối thấp so với dân số 1,4 tỷ người. Nhưng theo các chuyên gia, con số này sẽ “không bền vững” trong thời gian tới.

“Câu hỏi đặt ra là liệu bạn có thể coi đại dịch đã kết thúc khi một phần quan trọng như vậy của thế giới đang thực sự bước vào làn sóng thứ hai hay không?”, nhà dịch tễ học người Hà Lan Marion Koopmans, thành viên ủy ban cố vấn về COVID-19 của WHO nói với Reuters. “Rõ ràng là chúng ta đang ở một giai đoạn rất khác của đại dịch, nhưng theo tôi, làn sóng mới nhen nhóm ở Trung Quốc là một yếu tố bất định.”

Người dân xếp hàng bên ngoài hiệu thuốc ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô để mua kit test. Ảnh: Reuters

Mới đây vào tháng 9, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhận định “dấu chấm hết với đại dịch đang ở trước mắt”. Tuần trước, ông nói với các phóng viên ở Geneva rằng ông “hy vọng tình trạng khẩn cấp có thể chấm dứt vào năm tới”.

Hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19 vì mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm hơn hoặc về sự gia tăng đột biến số ca nhiễm đã giảm bớt vào nửa cuối năm nay.

Bình luận của ông Tedros làm dấy lên hy vọng rằng WHO có thể sớm loại bỏ Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) đối với COVID-19, đã được áp dụng từ tháng 1/2020.

Marion Koopmans và các thành viên ủy ban cố vấn khác của WHO sẽ đưa ra khuyến nghị của họ về PHEIC vào cuối tháng 1/2023. Sau đó, ông Tedros sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng, và không bắt buộc phải tuân theo khuyến nghị của ủy ban.

PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh, thúc đẩy các tổ chức quốc tế ưu tiên tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin và phương pháp điều trị. Một số chuyên gia y tế toàn cầu từng dự đoán Trung Quốc sẽ đợi WHO dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước khi nới lỏng các biện pháp ứng phó với đại dịch của nước này.

“Ông Tedros cần phải cân nhắc thấu đáo”, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói với các phóng viên ở Geneva tuần trước. "Tôi nghĩ thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm. Công việc vẫn chưa xong."

Ông Ryan cho biết khả năng tiếp cận vắc-xin không đồng đều trên toàn thế giới vẫn là một trong những lý do khiến COVID-19 vẫn có thể tiếp tục bị xếp vào nhóm tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, một lý do khác là tỷ lệ các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa ngày càng tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế.

Phòng khám sốt dã chiến ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Một số chuyên gia dự đoán rằng việc virus lây lan ở một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc có thể sẽ tạo ra nhiều đột biến mới.

Hiện tại, dữ liệu từ Trung Quốc được chia sẻ với cả WHO và cơ sở dữ liệu vi rút GISAID cho thấy biến thể lưu hành ở nước này là Omicron và các nhánh của nó.

Tom Peacock, nhà dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) nhận định: “Điểm mấu chốt là không rõ làn sóng ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi virus đột biến hay chỉ vì loại bỏ các biện pháp phòng dịch.”

Dù là lý do gì, thì các chuyên gia cũng cho rằng nên tập trung giúp Trung Quốc vượt qua làn sóng này, nếu Bắc Kinh kêu gọi giúp đỡ. Trọng tâm là tăng cường tiêm chủng cho những nhóm dân số dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là liều nhắc lại.

Theo Reuters, các quan chức Mỹ và châu Âu đang tiến hành các cuộc đàm phán hậu trường với đối tác Trung Quốc, đồng thời đưa ra các tuyên bố công khai ngụ ý rằng quyền quyết định đang nằm trong tay Bắc Kinh.

“Chúng tôi đã đưa ra quan điểm rằng chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ theo bất kỳ cách nào mà họ cảm thấy chấp nhận được”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói.

Minh Hạnh

Theo Reuters