WHO: Số ca tử vong vì COVID-19 giảm nhưng cần tiếp tục cảnh giác

Số ca tử vong vì COVID-19 giảm 95% song virus vẫn đang lây lan

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: ITN

Theo đánh giá của WHO, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu và các nước sẽ phải nghiên cứu cách quản lý các tác động không khẩn cấp đang diễn ra dịch bệnh, bao gồm cả tình trạng hậu COVID-19, hay còn gọi là COVID kéo dài.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/4, Tổng Giám đốc WHO – Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng tôi cảm thấy rất khích lệ trước sự sụt giảm liên tục về số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo, với mức giảm 95% kể từ đầu năm nay". Tuy nhiên, ông Ghebreyesus cũng lưu ý thêm rằng, số các ca nhiễm COVID-19 lại đang có dấu hiệu gia tăng trở lại ở một số quốc gia và chỉ trong 4 tuần qua, đã có tới 14.000 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh này.

"Cùng với đó là sự xuất hiện của biến thể XBB.1.16 mới cho thấy virus vẫn đang thay đổi, có khả năng gây ra những làn sóng dịch bệnh và tử vong mới” – người đứng đầu WHO cảnh báo.

Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết các dòng phụ của biến thể XBB hiện đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới.

“Các dòng phụ của biến thể XBB đang gia tăng và cũng có biểu hiện trốn tránh miễn dịch, nghĩa là mọi người có thể bị tái nhiễm mặc dù đã được tiêm vaccine hoặc bị nhiễm bệnh trước đó” – bà Kerkhove nói.

Qua đó, đại diện này của WHO kêu gọi tăng cường giám sát thông qua xét nghiệm để bảo đảm rằng "chúng ta có thể theo dõi virus và nắm rõ sự thay đổi của chúng". Đây cũng là những nội dung để chúng ta bào chế vaccine và đưa ra các quyết sách ứng phó với virus.

Nỗ lực tăng mức độ tiêm chủng ở trẻ em

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em ở thủ đô La Habana, Cuba. Ảnh: CNN

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Ghebreyesus cho biết WHO hy vọng có thể đưa ra tuyên bố chấm dứt COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm. Dự kiến vào tháng tới, Ủy ban tư vấn cho Tổng Giám đốc WHO sẽ triệu tập cuộc họp định kỳ hàng quý để đưa ra những đánh giá và khuyến nghị về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới.

Một thông tin khác được ông Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp ngày 26/4 đó là, theo số liệu tính toán của WHO thì cứ 10 ca nhiễm COVID-19 thì lại có một trường hợp gặp phải triệu chứng COVID kéo dài và thực tế đó đã cho thấy hàng trăm triệu người sẽ cần được chăm sóc lâu dài hơn.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là một minh chứng hùng hồn về khả năng của vaccine trong bảo vệ sinh mạng con người. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã làm gián đoạn nghiêm trọng các chương trình tiêm chủng thông thường trên toàn thế giới. Theo số liệu do WHO công bố, trong giai đoạn 2019-2021 đã có tới 67 triệu trẻ em bỏ lỡ ít nhất một mũi tiêm chủng thiết yếu, trong đó có 48 triệu trẻ em bỏ lỡ hoàn toàn việc tiêm chủng. Tình trạng này diễn ra sau gần một thập kỷ tiến độ tiêm chủng bị đình trệ và đã đẩy tỷ lệ tiêm chủng trở lại mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2008.

Để khắc phục điều này, ông Ghebreyesus cho biết, WHO và các đối tác đã phát động chiến dịch có tên gọi “The Big Catch-up” - một nỗ lực toàn cầu nhằm tăng mức độ tiêm chủng ở trẻ em lên ít nhất là mức trước đại dịch.

Chiến dịch “The Big Catch-up” sẽ tập trung đặc biệt vào 20 quốc gia trên thế giới, nơi có 3/4 trẻ em không được tiêm vaccine vào năm 2021. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, người đứng đầu WHO kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới cần xóa bỏ "các rào cản đối với việc tiêm chủng, cho dù đó là khả năng tiếp cận, tính sẵn có của các nguồn lực y tế, chi phí hay thông tin sai lệch".

Ông Ghebreyesus nhắc lại, vào tháng 2/2020, chỉ vài tuần sau khi các trường hợp đầu tiên về COVID-19 được báo cáo, WHO đã công bố Kế hoạch Ứng phó và Chuẩn bị Chiến lược đầu tiên (SPRP) - phác thảo các bước mà các nước cần thực hiện để chuẩn bị và ứng phó với loại virus mới này. Trong tuần tới, WHO sẽ công bố SPRP thứ tư, nhằm hướng dẫn các quốc gia trong chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý lâu dài, bền vững đối với COVID-19 trong vòng 2 năm tới.

“Ngay cả khi chúng tôi hỗ trợ các quốc gia ứng phó với COVID-19, thì chúng tôi cũng đang nỗ lực để giữ cho thế giới an toàn hơn trước các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai” – người đứng đầu WHO nói./.

T.Lan (Theo WHO, The Economic Times)