Xử lý hơn 300 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong năm 2022

Trong năm 2022, đã có hơn 300 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý.

Hơn 300 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Cụ thể, theo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022 của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, trong năm 2022, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, như: vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; vi phạm về phần đường, làn đường; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện...

Một vụ tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.

Kết quả, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2.865.684 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Cơ quan chức năng phạt tiền 4.124 tỷ 652 triệu đồng, tước 388.141 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 614.520 phương tiện các loại.

Đáng chú ý, trong số này, có tới 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện và xử lý, chiếm 11,01% số vụ.

Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn tại Hà Nội.

So cùng kỳ năm 2019, tổng số vụ vi phạm đã giảm 1.263.641 trường hợp (30,6%), tiền phạt tăng 1.360 tỷ 298 triệu đồng (49,11%). So với năm 2021, số vụ vi phạm giảm 19.171 trường hợp (0,66%), tiền phạt tăng 1.316 tỷ 028 triệu đồng (46,86%).

Cụ thể, trên đường bộ, lực lượng chức năng đã xử lý 2.802.454 trường hợp, phạt tiền 4.033 tỷ 607 triệu đồng; trong đó, 1.818 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,06%); 62.643 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,24%); 7.989 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,29%); 69.410 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 2,48%); 359.473 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 12,83%);...

Đối với đường sắt, cảnh sát giao thông đã xử lý 6.222 trường hợp, phạt tiền 3 tỷ 360 triệu đồng. Trên đường thủy, xử lý 57.008 trường hợp, phạt tiền 87 tỷ 685 triệu đồng.

Tai nạn giảm mạnh so với giai đoạn trước Covid-19

Trong năm 2022, theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 38 vụ (0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (2,67%).

Tuy nhiên nếu so sánh với năm 2019 (trước khi xảy ra Covid-19 tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ (giảm 6.216 vụ, tương đương 35,2%), số người chết (giảm 1.246 người chết, tương đương 16,3%), người bị thương (giảm 5.841 người bị thương tương đương 42,81%).

Năm 2022, tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Riêng đối với ngành hàng không, tính đến ngày 15/11/2022, đã xảy ra 1 tai nạn (hoạt động bay huấn luyện phi công cơ bản) và 89 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (7 mức C và 82 mức D), không xảy ra sự cố nghiêm trọng.

So với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), các chỉ số sự cố mức C giảm 31.5%; sự cố nguyên nhân do yếu tố con người giảm 32.3%. Các sự cố khác tăng nhẹ. Riêng chỉ số sự cố do chim va đập tăng cao (384%). So sánh với cùng kỳ năm 2021, các chỉ số sự cố mức C giảm 37.7%; sự cố nguyên nhân do yếu tố con người giảm 24.7%; do chim va đập giảm 11,1%.

Trong số hơn 11 nghìn vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trong năm 2022, cơ quan chức năng xác định có 14,56% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,93% do chuyển hướng không chú ý; 4,68% do vượt xe sai quy định; 3,22% do vi phạm tốc độ xe chạy; 2,02% do sử dụng rượu bia; 0,03% sử dụng ma túy, chất gây nghiện; 1,92% do người đi bộ qua đường không đúng quy định; 0,45% do dừng đỗ sai quy định; 0,09% do công trình giao thông đường bộ không bảo bảo đảm an toàn kỹ thuật, 31,85% nguyên nhân khác, 33,15% chưa xác định được nguyên nhân.

Riêng đối với ngành hàng không, tính đến ngày 15/11/2022, đã xảy ra 1 tai nạn (hoạt động bay huấn luyện phi công cơ bản) và 89 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (7 mức C và 82 mức D), không xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Về việc xử lý vi phạm, quản lý phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình, tính tới ngày 31/10/2022, trên cả nước có 931.092 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình đã truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) và đã được các Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu để hoạt động kinh doanh vận tải.

Kết quả thống kê trên hệ thống xử lý dữ liệu giám sát hành trình, đến hết tháng 10/2022 cả nước có tổng số trên 18,6 triệu lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,77 lần/1.000km, giảm 18% so cùng kỳ năm 2021.

Liên quan đến quy định lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính đến ngày 10/10/2022, cả nước có khoảng 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp camera và truyền dữ liệu về máy chủ Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên tổng số khoảng 205.000 phương tiện kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Các phương tiện chưa lắp chủ yếu do đang tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng, chưa đưa vào hoạt động.

Đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí

Trong năm 2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đặt mục tiêu kéo, giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022.

Bên cạnh đó, ngành giao thông cũng hướng tới việc khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

SƠN BÁCH