Xử nghiêm hành vi cắt ghép, sử dụng hình ảnh trẻ em trái phép trên mạng xã hội

Nhiều hệ lụy cho trẻ và gia đình

Hiện nay, nhiều người thường sử dụng hình ảnh, video hoặc âm thanh giọng nói của người khác, đặc biệt là trẻ em để cắt, ghép, tạo thành sản phẩm mới của riêng mình. Bởi lẽ, trẻ em là nhóm đối tượng dễ thực hiện, sự dễ thương của trẻ, không có sự phản kháng, lại dễ thu hút người xem, lòng thương cảm của người khác, nên thường được các đối tượng nhắm tới. Điều đáng nói, nguồn âm thanh, hình ảnh, video sẵn có ở bất cứ đâu của bất cứ ai mà không cần xin phép chủ sở hữu vẫn có thể tải về và sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc tự ý sử dụng hình ảnh, video của người khác sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ và gia đình.

Đặc biệt, không khó để tìm thấy rất nhiều hình ảnh, video của trẻ bị chỉnh sửa thành các bức ảnh, clip hài hước, lan truyền trên các nền tảng xã hội như tiktok, facebook…. Có những video, mặc dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng clip vẫn thường xuyên được đăng tải để làm các hiệu ứng và trở thành “trò cười” vô thưởng vô phạt cho nhiều người. Điều này có thể sẽ đem đến những hệ lụy về sau cho trẻ, song làm thế nào để ngăn chặn lại không hề dễ dàng.

Nhiều đối tượng lợi dụng cắt, ghép ảnh, video trẻ em để câu view. Nguồn:ITN

Đơn cử, liên quan đến việc bé Hạo Nam 10 tuổi bị rơi xuống đường ống sâu 35m gây xót xa, thương cảm trong xã hội, đã có nhiều đối tượng lợi dụng sự việc để đưa những bài viết giật gân, “câu view”, trong đó lấy ảnh của một bé trai khác để cắt ghép, minh họa là “bé Hạo Nam”, làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cậu bé và gia đình khi có rất nhiều người gọi điện tìm hiểu sự việc và hỏi thăm. Do đó, cậu bé và gia đình buộc phải lên mạng đính chính để chấm dứt tình trạng này.

Chị Trịnh Thị Huệ (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, bản thân chị là mẹ của 2 đứa con nhỏ, nhưng chị rất hạn chế đăng ảnh con lên mạng xã hội vì chị nhận thấy mạng xã hội giống như "con dao hai lưỡi". Bên cạnh việc lưu giữ những kỷ niệm đẹp cho con thì không ít trường hợp nhiều hình ảnh, video của các con bị nhiều đối tượng lợi dụng cắt ghép để sử dụng.

Chưa thực sự quyết liệt

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi cắt ghép, sử dụng hình ảnh trái phép của người khác lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra mà đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm dân sự, nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định, các hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi này còn bị xử lý theo quy định của Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, việc tự ý sử dụng hình ảnh, video gây ảnh hưởng xấu đến người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đã đến lúc cần xử lý quyết liệt. Nguồn: INT

Quy định pháp luật rất rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý hành vi cắt ghép ảnh, tự ý sử dụng ảnh người khác chưa được thực hiện quyết liệt, do tính chất rộng lớn, khó quản lý của mạng xã hội. Do đó, nhiều gia đình bức xúc vì hình ảnh con mình bị lan truyền khắp nơi, sử dụng với nhiều mục đích không chính đáng ảnh hưởng đến cuộc sống của con trẻ và gia đình.

Hành vi này đã gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư, sự an toàn trong đời sống của các em nhỏ, gây ra nhiều phiền toái cho gia đình các em. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ con trẻ, trước hết các bậc cha mẹ nên cân nhắc, hạn chế đưa hình ảnh con lên mạng vô tội vạ, nhất là những bức ảnh có nhiều yếu tố khác thường. Khi phát hiện hình ảnh con mình xuất hiện trên mạng trái phép, cần liên hệ ngay cá nhân, tổ chức đăng tải yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh, hoặc sử dụng dịch vụ lập vi bằng, nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, không thỏa hiệp với những hành vi sai trái nói trên.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh 18008108. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các đối tượng đăng tin giả.

Nguyễn Ngân