Xúc tiến thương mại với các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các cơ quan, DN, trong đó có gần 50 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Mục tiêu của chuỗi hội nghị là giúp hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN và ngược lại. Đồng thời, tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách mới, cơ hội thị trường từ hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên toàn cầu.

Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Chương trình Hội nghị tháng 8/2022 bao gồm 2 phiên chính. Phiên 1 dành cho đại diện các thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pakistan, Chile thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Phiên 2 dành cho đại diện các địa phương, hiệp hội thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với thị trường nước ngoài.

8 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều biến động phức tạp, khó lường, từ dịch bệnh đến những bất ổn địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát gia tăng ở hầu hết quốc gia, đối tác kinh tế lớn… Kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2022 của nước ta hồi phục nhanh ở hầu hết ngành, lĩnh vực, và giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Trong thành tích xuất nhập khẩu có sự đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại, nỗ lực của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN trong hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, suy giảm tăng trưởng có thể ảnh hưởng sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ở góc độ nhiệm vụ xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, thực trạng này đang đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, DN và người sản xuất. Qua đó, có thể cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, DN xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Chuỗi giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, là một trong những giải pháp để phát huy và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tế trên.

Minh Anh