2023- một năm bội thu của ngành nông nghiệp Đắk Lắk

Từ đầu năm 2024 đến nay, với điều kiện thuận lợi là giá cà phê và sầu riêng tăng cao đã đem lại kết quả tích cực, làm tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, diện tích cà phê ước đạt 212.900ha, sản lượng ước đạt hơn 564 nghìn tấn. Nếu giá cà phê nhân xô giữ ổn định như hiện nay, dao động từ 65 triệu đến 70 triệu đồng/tấn thì doanh thu khoảng 36.000 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 10.000 tỉ đồng so với năm 2022.

Niên vụ 2023, khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng thu mua ổn định tại vườn trung bình từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg, tăng khoảng 25.000đ/kg so với năm 2022. Với giá mua này, doanh thu của người sản xuất mặt hàng sầu riêng đạt trên 15.000 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 5.800 tỉ đồng so với năm 2022.

Người nông dân trồng sầu riêng ở Đắk Lắk thu lãi lớn trong năm 2023.

Bà Trần Thị Thảo (xã Ea Toh, huyện Krông Năng) cho biết, gia đình có diện tích 1ha cà phê dự kiến cho thu hoạch 4 tấn. Cây cà phê được chăm sóc đúng quy chuẩn, gia đình bà cũng áp dụng việc trồng và chăm sóc hữu cơ nên năng suất năm nay cao hơn so với năm ngoái.

Theo bà Thảo, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực ở địa phương bởi dễ trồng, chăm sóc, nếu giá cả ổn định như hiện nay thì người nông dân sẽ yên tâm gắn bó lâu dài. Giá cả vụ mùa năm nay tăng hơn năm ngoái gấp đôi. Nếu làm cà phê sạch, chất lượng bón phân hữu cơ vi sinh như gia đình thì tăng được thêm khá nhiều về sản lượng, lợi nhuận cải thiện.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, khi nông sản được giá, có thị trường tiêu thụ ổn định, xuất khẩu chính ngạch thì người nông dân phải tập trung việc xây dựng vùng sản xuất tập trung với sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của vùng theo hướng đồng nhất chất lượng, quy mô lớn, tạo liên kết hợp tác với các nhà đầu tư, tạo ra sản lượng khá lớn, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Cũng như sầu riêng, người nông dân trồng cà phê cũng đã thu lãi lớn trong vụ mùa năm 2023 - 2024.

Đồng thời, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đối với nông sản của địa phương, đặc biệt là với các mặt hàng thế mạnh như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu…

Theo ông Dương, đối với riêng mặt hàng sầu riêng đã và đang mở triển vọng rất lớn ở các thị trường nước ngoài như Trung Quốc và một số nước khác. Trong khi năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt hơn 4 tỉ USD, tăng hơn 3%. Sầu riêng cũng là loại quả có sản lượng xuất khẩu cao nhất, chiếm 40% giá trị xuất khẩu ngành rau quả, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc hơn 2 tỉ USD…

Năm 2024, nông dân Đắk Lắk sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản phẩm, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Lê Thị Kim Phụng chia sẻ về Dự án “Phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu tính năng cao aerogel composite từ phụ phẩm nông nghiệp”:

Nguyễn Tâm