ASEAN ra mắt bản hướng dẫn chung về quản trị và đạo đức về AI

Ảnh minh họa: Hà Anh - Mekong ASEAN.

Theo The Guardian, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa công bố hướng dẫn về quản trị và đạo đức về công nghệ í tuệ nhân tạo. Đây là tài liệu đóng vai trò hướng dẫn cho các tổ chức trong khu vực có mong muốn thiết kế, phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ mục đích thương mại và phi quân sự.

Nội dung của bản hướng dẫn tập trung vào việc khuyến khích sự liên kết trong và thúc đẩy khả năng tương tác về công nghệ trí tuệ nhân tạo giữa các khu vực pháp lý.

Trong đó là các khuyến nghị về những sáng kiến cấp quốc gia và khu vực mà chính phủ các nước thành viên ASEAN có thể xem xét thực hiện nhằm thiết kế, phát triển và triển khai các hệ thống trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.

Những khuyến nghị này bao gồm việc nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân tài về công nghệ trí tuệ nhân tạo, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, đồng thời nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Các đề xuất cấp khu vực được nêu gồm việc thành lập một nhóm làm việc để triển khai, tổng hợp quá trình thực hiện hướng dẫn chung về quản trị và đạo đức trí tuệ nhân tạo. ASEAN cũng kêu gọi các công ty công nghệ triển khai cấu trúc đánh giá rủi ro về trí tuệ nhân tạo và đào tạo quản trị trí tuệ nhân tạo. Các hành động cụ thể về vấn đề này sẽ do các công ty và cơ quan quản lý của quốc gia đó quyết định.

Thời gian qua, những công cụ trí tuệ nhân tạo như đã tạo ra bước đột phá mới trong làn sóng đầu tư vào công nghệ. Giới chuyên gia cho rằng, hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.

Cuộc khảo sát gần đây của Gartner với hơn 2.500 nhà lãnh đạo điều hành trên toàn cầu cho thấy, 45% lãnh đạo công ty công nghệ báo cáo rằng, ChatGPT đã thúc đẩy họ tăng cường đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, 70% giám đốc điều hành cũng cho biết tổ chức, công ty của họ đang ở chế độ khám phá với trí tuệ nhân tạo. Khoảng 19% trong số đó đang ở chế độ thử nghiệm hoặc sản xuất.

Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt trí tuệ nhân tạo dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp trí tuệ nhân tạo đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo do lo ngại công nghệ này có thể truyền bá thông tin sai lệch và gây ra tác hại đáng kể cho người dùng.

"Khi bắt đầu phát triển và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức", chuyên gia Frances Karamouzis chia sẻ.

Hà Anh