G20 kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó các cuộc khủng hoảng toàn cầu

Quang cảnh Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại thành phố Matera, miền Nam Italy ngày 29/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên G20, Italy đã tổ chức hội nghị trực tiếp đầu tiên của nhóm nay sau gần 2 năm, tập trung vào thúc đẩy hợp tác và khôi phục kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy phát triển bền vững ở châu Phi. Phát biểu với những người đồng cấp G20, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nhấn mạnh: "Đại dịch COVID-19 cho thấy rõ sự cần thiết phải có phản ứng quốc tế đối với các tình huống khẩn cấp, vượt qua ngoài các biên giới quốc gia".

Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị, các bộ trưởng G20 kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế xây dựng các chuỗi lương thực đồng đều và vững chắc để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho tất cả mọi người, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 "không còn nạn đói" như đã đề ra trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Theo đó. G20 cam kết phối hợp với các nước đang phát triển thúc đẩy đầu tư cho an ninh lương thực, dinh dưỡng và các hệ thống lương thực bền vững, trong khuôn khổ các biện pháp ứng phó khẩn cấp với đại dịch COVID-19 cũng như các kế hoạch phục hồi quốc gia dài hạn hơn, đồng thời duy trì thương mại thực phẩm minh bạch và không phân biệt đối xử, theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Các bộ trưởng G20 nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các cách thức phối hợp ứng phó đối với các thách thức lớn toàn cầu, như phục hồi sau đại dịch, thương mại quốc tế, hành động khí hậu, cũng như chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.

Tuyên bố cũng kêu gọi các hành động nhằm trao quyền cho phụ nữ và thanh niên thông qua giáo dục và tạo cơ hội khởi nghiệp, lưu ý những khó khăn do mất cơ hội làm việc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tuyên bố cảnh báo rằng thế giới đang đi "không đúng hướng" trong tiến trình hướng tới mục tiêu thanh toán nạn đói vào năm 2030. Tuyên bố cho rằng với xu hướng hiện nay, số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói sẽ vượt quá 840 triệu người vào năm 2030, chưa tính đến khoảng 100 triệu người bị tác động từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều người mất việc làm và thu nhập, dẫn đến hậu quả về an ninh lương thực.

Ông Luigi Di Maio nhấn mạnh: “Chúng ta phải đảo ngược càng sớm càng tốt xu hướng thiếu đói hiện nay, vốn gia tăng từ năm 2014... an ninh lương thực là yếu tố quan trọng đối với sự gắn kết xã hội và sự phát triển hòa bình của các vùng lãnh thổ và quốc gia”.

Phương Hoa (TTXVN)