ASEAN thêm bước tiến tích cực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28 (AFMM 28). Ảnh: Bộ Tài Chính

Củng cố nội lực trước sóng gió thời cuộc

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của các quốc gia thành viên mới đây đã ghi nhận các tiến bộ đáng kể trong việc triển khai hiệu quả các sáng kiến hợp tác tài chính ngân hàng trên tất cả các lĩnh vực: Hội nhập tài chính, tự do hóa dịch vụ tài chính và tài khoản vốn, kết nối thanh toán xuyên biên giới, tài chính bền vững và tài chính toàn diện, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.

Điều này diễn ra trong 2 hội nghị được tổ chức vừa qua tại thành phố Luang Prabang của Lào, gồm: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 11; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM) lần thứ 28.

Giới chức cùng chung quan điểm rằng, khu vực ASEAN đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là do tác động tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị, biến động giá cả hàng hóa toàn cầu và tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc.

Song hành với đó, nhiều vấn đề trở thành thách thức quan trọng đối với ASEAN như: Biến đổi khí hậu, tốc độ số hóa nhanh và dân số già sẽ tiếp tục định hình sự phát triển kinh tế của khu vực ASEAN.

Từ đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương cùng nhất trí phải tiếp tục duy trì ổn định nợ công, củng cố tài khóa, áp dụng các chính sách vĩ mô thận trọng, duy trì không gian chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời tiếp tục theo đuổi các mục tiêu cải cách cơ cấu và tăng trưởng bền vững.

Các quan chức đồng thời cam kết, các thành viên ASEAN hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa các mục tiêu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của khu vực ASEAN thông qua các sáng kiến và kênh hợp tác sẵn có hiệu quả của khu vực.

Tại các hội nghị này, Bộ trưởng ộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đã có những bài phát biểu quan trọng, trong đó bày tỏ ủng hộ các ưu tiên của nước chủ nhà Lào trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024 với chủ đề "Tăng cường kết nối và tự cường".

Việt Nam đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác tài chính ASEAN

Chia sẻ với truyền thông quốc tế về kết quả của các hội nghị, Bộ trưởng ồ Đức Phớc cho biết, điều quan trọng nhất là khẳng định sự thống nhất của ASEAN đối với các vấn đề toàn cầu và khu vực. Đồng thời Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một ASEAN kết nối và tự cường.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN tham dự Hội nghị AFMGM 11. Ảnh: Bộ Tài Chính

Các Bộ trưởng Tài chính cũng ghi nhận những kết quả quan trọng của các kênh hợp tác tài chính ASEAN như: Thuế, hải quan, bảo hiểm, chứng khoán... cho định hướng chỉ đạo các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN trong thời gian tới, tập trung vào các vấn đề nổi lên trong khu vực như: Tài chính xanh, tài chính số, huy động nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, ứng phó với rủi ro thiên tai.

Mặt khác, dịp này cũng là cơ hội tốt để các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN gặp gỡ, trao đổi nhằm củng cố hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý. Điều đặc biệt trong năm nay là bên cạnh các kênh hợp tác truyền thống, các Bộ trưởng cũng đã phê duyệt thành lập Diễn đàn kho bạc ASEAN là kênh hợp tác mới trong lĩnh vực kho bạc.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngay cả khi không đóng vai trò chủ trì tiến trình hợp tác tài chính, Bộ Tài chính Việt Nam vẫn chủ động tham gia, góp phần đưa ra những sáng kiến, đề xuất nhằm xây dựng cấu trúc hội nhập tài chính khu vực, hướng tới các mục tiêu chung, góp phần nâng cao vị thế của khu vực trên thị trường quốc tế; đồng thời từng bước chuyển hóa các sáng kiến hợp tác khu vực thành lợi ích cụ thể cho từng quốc gia, qua đó có đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác tài chính ASEAN.

Việc duy trì đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp cũng là đóng góp quan trọng cho kết quả hội nghị. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trình bày nguyện vọng và những vấn đề quan tâm, chia sẻ với các Bộ trưởng, cũng là diễn đàn để các Bộ trưởng truyền tải tới cộng đồng doanh nghiệp những định hướng chính sách quan trọng, những kết quả về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tăng cường thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng của mỗi nước cũng như của cả khu vực.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Việt Nam đang là một nền kinh tế lớn và một nền kinh tế mở trong các nước ASEAN. Đồng thời hiện là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất và nợ công của Việt Nam ở mức rất thấp so với các nước trong ASEAN. Việt Nam đã có đóng góp hết sức quan trọng đối với ASEAN, kể từ năm 1997 đến nay, Bộ Tài chính Việt Nam đã 3 lần chủ trì tiến trình hợp tác tài chính ASEAN vào các năm 2008, 2010 và 2020.

Năm 2024, Hải quan Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch diễn đàn hợp tác hải quan ASEAN, sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vào tháng 6 tại Phú Quốc.

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật với Cơ chế một cửa ASEAN, tạo nền tảng để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực. Trên cương vị Chủ tịch, Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác hải quan quan trọng trong ASEAN.

Thanh Trúc