Ba giải pháp thu hút, giữ chân các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3, phóng viên nêu câu hỏi với đại diện ộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm và những giải pháp đột phá nào để thu hút các dự án lớn vào Việt Nam, nhất là những dự án công nghệ cao.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương điểm lại, sáu tháng cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng thu hút đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng.

Theo thứ trưởng, có rất nhiều nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả trên, đầu tiên là sự ổn định chính trị, an ninh và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Thứ hai là kết quả các chuyến ngoại giao cấp cao, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài. Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy và đánh giá được các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Tiếp nối kết quả những tháng cuối năm 2023, hai tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023. Tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài cũng rất cao, khẳng định những cam kết được hiện thực hóa.

"Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là tỷ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là một tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2024 cũng như 2025," Thứ trưởng kỳ vọng.

Về giải pháp đột phá để thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư nước ngoài lớn, tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra ba giải pháp:

Thứ nhất, tập trung cải thiện hạ tầng và đất đai. Theo ông Phương, đây là những vấn đề rất được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

"Các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất lớn và yêu cầu hạ tầng cao. Do đó, thời gian tới chúng ta sẽ tập trung hoàn thiện các dự án kết nối hạ tầng. Đồng thời, triển khai ngay các văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai," ông Phương thông tin.

Thứ hai, tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đã thông qua đề án phấn đấu đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chip bán dẫn, trong đó có 50.000 riêng cho lĩnh vực chip bán dẫn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khẩn trương thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong ngành bán dẫn.

"Chúng ta có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng cái chúng ta cần tập trung nhiều hơn là trình độ, kỹ năng của người lao động. Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam," Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ ba, tập trung hoàn thiện công tác thể chế. Thứ trưởng Phương cho biết, vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

"Những cơ chế, chính sách mới được ban hành chắc chắc sẽ có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam," Thứ trưởng Phương khẳng định.

Sáng 2/3, phát biểu kết luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành phân tích việc cần làm để đưa ra giải pháp thu hút, giữ chân các tập đoàn lớn, uy tín trong lĩnh vực công nghệ.

"Nếu làm không nhanh thì mất cơ hội, vì năm ngoái, Việt Nam đã thu hút hơn 36,6 tỷ USD, giải ngân 23,2 tỷ USD, là con số lớn trong tình hình hiện nay, song dư địa còn lớn hơn. Do đó, phải có biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa," người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Sắp trình Chính phủ đề án 50.000 nhân lực ngành bán dẫn

Tại buổi làm việc lấy ý kiến dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chiều tối ngày 27/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tập trung tổng hợp ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện Đề án, sớm trình Chính phủ trong quý I/2024.

Theo đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm đạt được mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại, tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử.

Đồng thời, kỹ sư Việt Nam tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất; và đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Đinh Nhung - Kiều Chinh