Bảo vệ quyền lợi người mua nhà 'trên giấy'

Luật mới chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi người mua nhà hình thành trong tương lai

Tăng tính minh bạch dự án

Quy định đòi hỏi về việc chủ đầu tư bất động sản phải có sự chấp thuận từ ngân hàng để cấp bảo lãnh mới được nhận tiền đã tạo ra sự đổi mới quan trọng trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản. Điều này không chỉ tác động đến hoạt động của các chủ đầu tư, mà còn có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống tài chính và ngân hàng trong quá trình hỗ trợ lĩnh vực này.

Trong đó, tác động lớn nhất có thể kể đến là việc được ngân hàng chấp thuận cấp bảo lãnh sẽ làm tăng tính minh bạch, uy tín và sự khả thi của dự án, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Đồng thời, quy định này cũng đặt ra thách thức cho chủ đầu tư là phải có kế hoạch tài chính rõ ràng và có khả năng thanh toán. Điều này đòi hỏi họ phải có năng lực quản lý tài chính và dự án một cách chặt chẽ hơn.

Bởi ngân hàng sẽ đánh giá khả năng thanh toán và uy tín của chủ đầu tư trước khi cấp bảo lãnh, do đó nhà đầu tư phải đáp ứng những điều kiện về tài chính nhất định cũng như chuẩn bị thông tin chi tiết và chính xác về dự án của mình để có thể đạt được sự chấp thuận từ ngân hàng. Qua đó, những tiêu chí này có thể là một thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới nổi trong ngành.

Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho những nhà đầu tư, bởi khi được ngân hàng chấp thuận cấp bảo lãnh, sẽ làm tăng tính minh bạch của dự án, giúp người mua và các bên liên quan tạo thêm sự tin tưởng trong quá trình giao dịch cũng như tính khả thi và mức độ an toàn của dự án. Điều này không chỉ giúp giảm rủi ro cho ngân hàng mà gia tăng niềm tin từ phía khách hàng đối với các chủ đầu tư.

Bảo vệ quyền lợi khách mua nhà

Ngoài ra, yêu cầu cấp bảo lãnh cũng giúp phía ngân hàng kiểm soát tình trạng nợ xấu trong ngành bất động sản. Việc này có thể giúp ngăn chặn những dự án không minh bạch hoặc không có khả năng sinh lời từ việc nhận vốn. Ngân hàng, qua việc đánh giá và chấp thuận cấp bảo lãnh, đóng vai trò như một bên giám sát, đảm bảo rằng các dự án được thực hiện một cách có trách nhiệm và bền vững.

Theo Luật sửa đổi quy định các chủ đầu tư bất động sản phải được ngân hàng chấp thuận cấp bảo lãnh mới được nhận tiền. Các nhà làm luật xây dựng quy định này đã hình thành một biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo uy tín và sự khả thi của dự án, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Do yêu cầu thông tin và đánh giá kỹ lưỡng từ ngân hàng, chủ đầu tư có thể bị thúc đẩy để nâng cao chất lượng tính khả thi của dự án giúp chất lượng dự án cao, góp phần tạo nên thị trường bất động sản lành mạnh.

Đặc biệt, quy định mới này bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng trước những rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai. Bởi việc đưa tiền sau khi xác nhận dự án đã được ngân hàng chấp thuận bảo lãnh giúp người dân yên tâm hơn khi mua nhà và tin rằng dự án sẽ được triển khai thành công, còn trường hợp dự án không được triển khai thành công thì người dân được bảo toàn tiền gốc. Quy định đã giúp người mua nhà hình thành trong tương lai giảm bớt rủi ro mất tiền nhưng không nhận được nhà.

Cơ chế yêu cầu chủ đầu tư bất động sản phải được ngân hàng chấp thuận cấp bảo lãnh mới được nhận tiền là cơ chế mới và có sự sáng tạo, tuy nhiên vẫn có điểm chưa hợp lý.

Cụ thể, “vốn tự có” từ các ngân hàng thương mại hầu như không lớn, trong khi đó các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị lại mang giá trị cao. Do vậy, nếu thực hiện theo đúng quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi thì phần lớn các ngân hàng sẽ không đủ khả năng để đáp ứng, từ đó làm giảm bớt năng lực cho vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Đồng thời, gia tăng lượng tài sản đảm bảo và không khai thác hiệu quả “khoản bảo lãnh” của các doanh nghiệp. Việc yêu cầu chủ đầu tư bất động sản phải được ngân hàng chấp thuận cấp bảo lãnh mới được nhận tiền phần nào cũng khiến các ngân hàng “ngại” cho vay.

Theo LS. NGUYỄN THANH HÀ - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw/Diendandoanhnghiep.vn