Thách thức của tiếp thị số

Năm 2023 tiếp tục đánh dấu bước phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tham gia của đa dạng các nền tảng mạng xã hội, sự sáng tạo trong hệ thống dữ liệu và các công nghệ tiên tiến. Trong đó, tiếp thị số đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Với sự phát triển của các kênh kỹ thuật số, người dùng luôn mong muốn có những trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa nhiều hơn, liền mạch hơn. Nếu họ cảm thấy không ưng ý với trải nghiệm của mình dù ở bất kỳ giai đoạn nào trong hành trình mua sắm thì cũng rất dễ dàng rời bỏ kênh đó, thậm chí là cả thương hiệu của bạn, đồng thời từ chối hành vi mua hàng.

Do đó, mục tiêu trọng tâm của những doanh nghiệp hiện nay là đầu tư hơn nữa vào trải nghiệm người dùng thông qua mọi điểm tiếp xúc, từ cửa hàng truyền thống, website bán hàng, các nền tảng mạng xã hội và nhiều kênh truyền thông khác.

Ngành tiếp thị số đứng trước nhiều thách thức.

Tuy nhiên, tiếp thị số hiện nay cũng đứng trước nhiều thách thức. Theo báo cáo Media Trends and Predictions 2024 (Xu hướng và Dự báo Truyền thông Toàn cầu năm 2024) mới đây của chuyên trang Kantar, ngành tiếp thị đang đứng trước khó khăn khi tình hình kinh tế toàn cầu và doanh thu ngành quảng cáo sụt giảm.

Cụ thể, quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm ước tính 3.5% năm 2022 xuống còn 3.0% cho cả năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) tháng 4/2023, con số này đã vượt qua dự báo ban đầu, nhưng vẫn thấp so với các tiêu chuẩn lịch sử.

Đối với doanh thu ngành quảng cáo, dù đã có sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế, nhưng doanh thu từ quảng cáo dự kiến sẽ ổn định cho đến hết năm nay. GroupM ước tính mức tăng trưởng 5.9% cho năm 2023. Mức tăng này được mô tả là tích cực nhưng lại đảo chiều tiêu cực sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Tuy nhiên, xu hướng này không ảnh hưởng đồng đều đến tất cả các thị trường.

Một thách thức tiếp theo là sự phát triển của í tuệ nhân tạo AI và Machine learning (công nghệ máy học).

Năm 2023 đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ AI. Công nghệ này đã tạo ra các ứng dụng đa dạng, như: hình ảnh sản phẩm, nội dung quảng cáo…

Ứng dụng của học máy mang đến cơ hội tự động hóa và tối ưu hóa việc chạy quảng cáo, dự đoán hành vi tiêu dùng khách hàng và hiệu suất quảng cáo. Trong đó, công nghệ Deep learning đã được cải thiện đáng kể trong cá nhân hóa, phân tích dự báo và sáng tạo nội dung.

Ngành tiếp thị số cũng chịu tác động của lạm phát. Năm 2023 chứng kiến các vấn đề về kinh tế kéo dài, đi kèm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, các tác động của lạm phát không đồng đều và có những ảnh hưởng khác nhau.

Cuối cùng là thách thức đối với dịch vụ SVOD (tạm dịch: Đăng ký video trực tuyến) là một hình thức phát sóng nội dung video thông qua Internet, người dùng sẽ trả một khoản phí theo định kỳ để tiếp cận chúng. Tại nhiều quốc gia tỷ lệ hủy đăng ký có xu hướng tăng cho thấy sự gia tăng đáng kể trong việc người tiêu dùng từ bỏ các dịch vụ liên quan.

Tại Hội nghị Thương hiệu 2023 - sự kiện thường niên do Forbes Việt Nam diễn ra tháng 10/2023, một trong những thách thức cũng được các chuyên gia chỉ ra là người tiêu dùng đã thay đổi hành vi đáng kể sau đại dịch COVID-19 và ngành tiếp thị số phải thích ứng được với thế hệ tiêu dùng mới - Gen Z (1995-2012).

Đối tượng khách hàng này thường tương tác nhiều trên môi trường trực tuyến, đề cao sự tiện dụng và ưa thích cá nhân hóa trải nghiệm.

Gen Z hiện đang dẫn đầu về cách tương tác với các thương hiệu, phần lớn thông qua các nền tảng do giới trẻ thống trị như . Gen Z thường chỉ kết nối với những thương hiệu thực sự thu hút họ về sở thích cũng như cách tiếp cận.

Thách thức chính của ngành tiếp thị trong thời gian tới là thích nghi với những thay đổi không ngừng.

Do đó, tiếp thị tập trung vào đặc trưng của thương hiệu để có thể tạo sức hút mạnh mẽ với thế hệ trẻ không chỉ là xu hướng của tiếp thị số, mà còn là cách khởi đầu mà tất cả các thương hiệu cần hiểu để định vị chính mình.

Bên cạnh đó, công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ cách thức doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cá nhân hóa các hoạt động mua sắm và tăng trải nghiệm khách hàng.

Các doanh nghiệp vì vậy càng đối mặt với thách thức xây dựng thương hiệu làm sao bắt kịp các trào lưu mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Hiện 71% dân số Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin mỗi ngày. Trung bình họ dành 2 giờ 32 phút trên các ứng dụng này hàng ngày, cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Vì vậy, vấn đề là các thương hiệu phải tận dụng được kênh mạnh mẽ này để tiếp cận tối đa khách hàng.

Đối với tiếp thị số hiện nay có thể thấy mạng xã hội vẫn là xu hướng chính và TikTok tiếp tục thống trị. Mạng xã hội đã trở nên quan trọng đối với lĩnh vực tiếp thị số trong những năm gần đây, vì hầu hết mọi người đều sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội.

Các bài đăng trên mạng xã hội là một cách tuyệt vời để quảng cáo và tương tác, cũng như tiếp cận với các đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp, đặc biệt trong đó là sự lên ngôi của nền tảng TikTok.

TikTok đã trở thành một người chơi lớn trong lĩnh vực tiếp thị truyền thông xã hội và điều này sẽ không thay đổi trong năm 2023. Năm 2021, TikTok đã thu được 4,6 tỷ USD, tăng 142% so với cùng kỳ năm trước đó với 1,8 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng được dự đoán vào cuối năm 2022 (theo số liệu của Business of Apps).

TikTok đang tạo ra một sân chơi không chỉ dành cho người tiêu dùng và các nhà sáng tạo mà nó còn tập trung vào khả năng sử dụng cho các doanh nghiệp. Với việc cải thiện các tùy chọn nhắm mục tiêu cho quảng cáo sẽ giúp TikTok trở thành một nền tảng lớn hơn, tốt hơn cho các doanh nghiệp và thương hiệu.

Có thể thấy, thách thức chính của ngành tiếp thị trong thời gian tới là thích nghi với những thay đổi không ngừng. Các thương hiệu cần phải liên tục cập nhật thông tin và chuyển đổi. Để duy trì sự phát triển và hiệu quả, ngành cần phải liên tục thích ứng và đổi mới trong bối cảnh kinh tế và công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Bảo Anh