Bất động sản, chứng khoán kém hấp dẫn, tiền gửi ùn ùn đổ về ngân hàng

Bất động sản, chứng khoán kém hấp dẫn, tiền gửi ùn ùn đổ về ngân hàng

So với cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng tăng thêm gần 752.600 tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định, dù lãi suất huy động luôn duy trì xu hướng giảm trong phần lớn thời gian kể từ đầu năm 2023, nhưng kỷ lục về tiền gửi của dân cư vào hệ thống các ngân hàng liên tục bị xô đổ.

Điều này cho thấy các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng… hiện không còn sức hấp dẫn quá lớn trong mắt các nhà đầu tư. Lãi suất đầu vào giảm sâu trong bối cảnh các ngân hàng đang chữa bệnh 'thừa tiền'.

Tính từ đầu năm đến nay NHNN đã 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, khiến lãi suất tiết kiệm và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng Đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại hiện đã giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chỉ còn 5,5%/năm, thấp ngang với giai đoạn Covid-19.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến 30/9, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng.

Còn theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.

Trưởng phòng tư vấn đầu tư (Công ty chứng khoán Mirae Asset) Nguyễn Nhật Khánh đánh giá, tốc độ tăng trưởng của tiền gửi trong 9 tháng của năm 2023 vẫn ở mức bình thường nếu so sánh với những năm trước đó. Còn tốc độ tăng trưởng huy động vốn năm nay chỉ tăng nhanh hơn tín dụng do nhu cầu trong nước yếu, khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa tăng…

Với những người gửi tiết kiệm, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên lãi suất hiện tại khoảng 5,5%-6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì vẫn có mức lãi suất thực dương.

TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân tích thêm, thời gian qua không chỉ chứng khoán mà ngay cả thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục nhẹ. Với thị trường bất động sản thì khi nào nhà đầu tư chốt lời từ thị trường chứng khoán mới chuyển vốn qua bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Huân, lượng tiền chảy qua cả chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều mà vẫn nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư chưa hồi phục thực sự.

Minh Thu