Bên dòng sông Mã

“...Nghe khúc khích nàng xuân cười mắt liếc; Sông Mã ơi! Em đẹp tựa bóng hồng; Niềm hạnh phúc đang căng tràn sức sống.” Lời bài thơ “Mùa xuân bên dòng sông Mã” của nhà thơ Đặng Minh Mai như lời tựa tình về vùng đất Sông Mã anh hùng trong kháng chiến và hôm nay đang bừng lên sức sống. Dọc đôi bờ sông Mã, những vườn nhãn xum xuê, xanh tốt; thương hiệu “Nhãn Sông Mã” không chỉ trong nước biết đến mà còn vươn ra thị trường thế giới. Đón mùa xuân này, đồng bào các dân tộc nơi đây càng vui hơn khi cuộc sống có nhiều đổi mới, no ấm và hạnh phúc.

Tiếp sức cho khát vọng làm giàu

Trong tiết trời xuân ấm áp, chúng tôi về huyện Sông Mã. Con đường từ thành phố Sơn La vào huyện được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ. Dọc hai bên đường từ Chiềng Khương vào thị trấn là những vườn nhãn xanh tốt đơm chồi, lộc biếc. Giống nhãn lồng được mang từ Hưng Yên lên đây từ những năm 60 thế kỷ trước, gặp phù sa của dòng sông Mã trở nên tốt tươi, quả ngon, ngọt. Vùng nhãn bạt ngàn ở các xã: Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, với những bản làng trù phú, yên bình.

Các Tiktoker livestream bán sản phẩm nhãn của Sông Mã.

Trong câu chuyện với đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, được biết: Sông Mã có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, tiếp sức cho khát vọng làm giàu của nông dân, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030. Chỉ đạo rà soát, xác định nhóm cây chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển; quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu... Đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó, tập trung phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Với định hướng đúng, trúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhãn Sông Mã đã vươn ra thị trường thế giới, tạo điều kiện cho vùng đất khó trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả nổi tiếng được nhiều người biết đến.

Cũng như bao hộ dân khác ở Sông Mã, năm nay, gia đình ông Đào Ngọc Bằng, xã Chiềng Khoong, đón tết phấn khởi hơn. Trong căn nhà khang trang, ông Bằng phấn khởi kể: Năm 2017, gia đình tôi đã chuyển 4 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây nhãn. Với 4 ha nhãn, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng. Năm 2024, gia đình sẽ chuyển đổi 1 ha nhãn miền thiết sang trồng nhãn chín sớm, rải vụ.

Ở các khu vực trồng nhãn, nhiều hộ dân đã liên kết sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giá trị cây trồng. Theo chia sẻ của ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Nà Nghịu, việc liên kết không chỉ nâng cao năng suất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Từ đó, lợi nhuận của bà con được cải thiện hơn. Nhiều diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đạt từ 200-500 triệu đồng/ha/năm.

Nâng cao năng lực chế biến

Để nhãn Sông Mã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, hộ nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP… Năm 2017, sản phẩm nhãn Sông Mã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã”. Đến nay, đã có 48 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Mỹ…; 47/71 HTX sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện đã tham gia các đoàn công tác khảo sát, nghiên cứu thị trường nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu. Phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu nhãn; thành lập các kênh quảng bá thương hiệu trên mạng xã hội facebook, youtube, tiktok... Duy trì thị trường truyền thống như Trung Quốc, Australia đối với trái cây tươi; phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU. Năm 2023, sản lượng nhãn đạt 75.000 tấn quả, giá trị hàng hóa đạt hơn 1.013 tỷ đồng. Trong đó, 46.091 tấn tiêu thụ trong nước, 27.959 tấn chế biến và 950 tấn xuất khẩu đi các thị trường EU, Vương Quốc Anh, Đức, Trung Quốc...

Nâng cao năng lực chế biến, huyện rà soát, hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất theo Quyết định 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh. Lồng ghép nguồn lực hỗ trợ HTX về bao bì, tem, nhãn mác sản phẩm long nhãn. Duy trì 2 làng nghề chế biến long nhãn tại xã Chiềng Khoong. Hiện nay, huyện có 2.994 lò sấy, trong đó, 732 lò hơi nhiệt sạch; công suất từ 1.500-2.000 tấn quả tươi/ngày. Vụ nhãn năm nay, các cơ sở đã chế biến 3.715 tấn long nhãn, giá trị hàng hóa ước đạt hơn 500 tỷ đồng. Việc làm này không chỉ giảm áp lực mùa vụ, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm nhãn, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Với người sản xuất nông nghiệp việc “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa” thường xảy ra. Nhưng với nông dân Sông Mã, chưa năm nào phải hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhãn. Ông Lường Văn Thoan, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, xã Nà Nghịu, cho hay: Từ khi áp dụng lò sấy hơi ép nhiệt kín, công suất một ngày tăng lên 5-6 tạ. Từ năm 2018, chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, chất lượng sản phẩm được bảo đảm từ hương vị, màu sắc, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Xây dựng vùng chuyên canh tập trung

Tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, huyện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đến nay, huyện Sông Mã có trên 7.500 ha nhãn, chủ yếu là nhãn Miền thiết và T6. Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cây nhãn, huyện tập trung thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái, bảo quản. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 1.000 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao và 1.000 ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; duy trì 300-500 ha nhãn sản xuất trái vụ; 20-25 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến long nhãn; 5% diện tích cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động...

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm: Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao; khảo sát, lựa chọn xây dựng mô hình nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... với diện tích nhãn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và yêu cầu của thị trường. Thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng; phát triển các hình thức liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ, ổn định, bền vững.

Trong không khí ngày xuân, vùng đất Sông Mã như bừng sáng hơn. Những khu đô thị mới mọc lên, các bản, làng khoác thêm diện mạo mới, những vườn đồi ngút ngàn màu xanh của nhãn, đem lại giàu có và no ấm cho nhân dân.

Trung tâm thị trấn Sông Mã.

Trần Hiền