Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Điện Biên muốn phát triển cần đột phá vào lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Minh

Đoàn công tác của Bộ Tài chính còn có lãnh đạo các đơn vị chức năng, như: Tổng cục Thuế, Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Vụ Đầu tư, Văn phòng Bộ Tài chính...

Về phía ỉnh Điện Biên tham gia cuộc làm việc có: Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn.

Năm thứ 3 liên tiếp đạt số thu ngân sách trên 1.500 tỷ đồng

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cả giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức, song với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của trung ương và các địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tỉnh Điện Biên đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,1%, đạt cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và đạt khá cao so bình quân chung của cả nước, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia từng bước được triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng định hướng.

Các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đặc biệt là đã hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng cảng hàng không Điện Biên đưa vào khai thác trở lại từ 2/12/2023.

Về thu ngân sách nhà nước, có nhiều yếu tố tác động gây khó khăn như, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; thị trường đất đai trong năm 2023 ít sôi động, việc đấu giá các dự án có liên quan đến đất đai gặp rất nhiều khó khăn; một số chính sách kích cầu sản xuất làm giảm thu ngân sách.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Minh

Tuy vậy, thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2023 đạt hơn 1.300 tỷ đồng, đạt 92,45% dự toán. Thu NSNN trên địa bàn đạt hơn 1.571 tỷ đồng, đạt 98,50% dự toán trung ương giao - năm thứ 3 liên tiếp số thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Chi ngân sách đạt 93,98% dự toán HĐND tỉnh giao, cơ bản đáp ứng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, tổ chức lễ hội và các hoạt động đối ngoại.

Phấn đấu giải ngân hơn 95%, tập trung cho các công trình trọng điểm

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 12/12/2023, tỉnh Điện Biên đã giao xong kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2024. Riêng đối với kế hoạch vốn năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương là hơn 4.704 tỷ đồng. Kho bạc nhà nước đã giải ngân đến 30/11/2023 hơn 2.449 tỷ đồng, đạt 52% so với kế hoạch vốn được giao.

Đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Điện Biên tham dự buổi làm việc. Ảnh: Đức Minh

Ước thực hiện giải ngân đến 31/1/2024 sẽ đạt 95,28% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo mục tiêu giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN, tính đến ngày 25/12/2023 toàn tỉnh đã phê duyệt quyết toán được 352 dự án, với tổng giá trị phê duyệt hơn 3.896 tỷ đồng, giá trị giảm trừ so với số vốn đề nghị quyết toán của chủ đầu tư là hơn 6 tỷ đồng, giá trị thu hồi nộp NSNN hơn 2 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh còn 98 công trình, dự án chưa quyết toán với tổng mức đầu tư phê duyệt hơn 1.099 tỷ đồng đang trong thời hạn quyết toán theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ. Hiện nay các chủ đầu tư đang tích cực thực hiện việc lập, nộp báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo quy định.

Các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đặc biệt là đã hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng cảng hàng không Điện Biên đưa vào khai thác trở lại từ 2/12/2023.

Đáng chú ý, năm qua, Điện Biên đã tập trung vào các dự án trọng điểm của tỉnh và các chương trình dự án chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đây là vấn đề được lãnh đạo địa phương tập trung, quyết liệt chỉ đạo ngay từ việc cân đối, phân bổ nguồn lực đầu tư, đến giải quyết các thủ tục, khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện các dự án, như: Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL279 và QL12, tỉnh Điện Biên; dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm; dự án nâng cấp ĐT 143, ĐT 147; dự án cầu Thanh Bình; dự án nhà khách tỉnh; dự án Trường tiểu học Hà Nội Điện Biên Phủ; các công trình, dự án bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các điểm di tích, các công trình dự án trong kế hoạch di chuyển các cơ quan tỉnh vào khu trung tâm chính trị, hành chính tỉnh...

Một góc TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính ồ Đức Phớc khẳng định, là tỉnh miền núi phía Bắc, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian gần đây Điện Biên đã ngày càng khởi sắc.

Trong thời gian tới, Điện Biên cần tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người dân, đưa được sinh kế, cách làm, phương thức sản xuất kinh doanh mới, hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, khó khăn. Đồng thời phải đặc biệt quan tâm hộ các nghèo, nơi ăn chốn ở cho người dân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Muốn phát triển, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Điện Biên cần có các giải pháp đột phá, mũi nhọn, tập trung vào ngành công nghiệp dịch vụ, du lịch. Công nghiệp muốn phát triển phải gắn liền với công nghiệp chế biến, chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ, du lịch gắn với lịch sử, theo đó tập trung thu hút đầu tư, quan tâm kết nối các trung tâm là đầu tầu kinh tế lớn./.

Địa phương giao thu ngân sách năm 2024 tăng 23% so với dự toán

Năm 2024, trên cơ sở quyết định giao dự toán thu, chi NSNN năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2024 đảm bảo đúng thời gian quy định. Theo đó số giao thu NSNN trên địa bàn tăng 23% so dự toán trung ương giao.

Về chi ngân sách, chi đầu tư trong cân đối đảm bảo chi trả nợ gốc, lãi và phí vay trước khi phân bổ, trong đó ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2024; trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư. Chi thường xuyên đảm bảo phân bổ và giao dự toán trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ tối thiểu bằng mức trung ương giao và một số chính sách an sinh xã hội tính trong cân đối không thấp hơn mức trung ương giao.

Năm 2024, tỉnh tập trung quản lý điều hành dự toán 2024, theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách.

Minh Anh