Thông điệp từ sắc màu đường phố

Một tác phẩm bích họa tuyên truyền chống dịch Covid-19 ở quận Hà Đông (Hà Nội).5

Tại Thủ đô Hà Nội, bức bích họa với chủ đề “Cổ động công tác phòng, chống dịch Covid-19” do thanh niên Quận đoàn Hà Đông thực hiện là tác phẩm mới nhất được khánh thành (ngày 20-6), góp thêm một thông điệp mạnh mẽ từ hình vẽ và mầu sắc nhằm tuyên truyền đến mọi người. Bích họa được thể hiện trên một bức tường dài 200 m tại phố Vũ Trọng Khánh, quận Hà Đông, nổi bật với những hình ảnh về đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân, người dân đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, đẩy lùi vi-rút SARS-CoV-2…

Trước đó, loạt tranh vẽ trên các bốt điện tại hai phố Bạch Mai, Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) do Hội Cựu chiến binh quận thực hiện cũng đã “khoác áo mới” cho các bốt điện vốn dán đầy tờ rơi, quảng cáo, biến thành những bức tranh cổ động tươi sáng, bắt mắt. Kèm theo đó là thông điệp “Cảm ơn những chiến sĩ áo trắng”, “Đeo khẩu trang khi ra đường”, “Đeo khẩu trang để bảo vệ chính bạn”, “Quyết tâm đẩy lùi vi-rút Corona”, “Chúng tôi đi làm vì mọi người, mọi người hãy ở nhà vì chúng tôi”...

Lựa chọn các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, những tranh vẽ này vừa mang đến diện mạo mới cho phố phường, vừa truyền tải thông điệp phòng, chống dịch bệnh một cách thiết thực. Đặc điểm chung của hầu hết tranh là mầu sắc tươi sáng, nội dung dễ hiểu và mang đến cảm xúc tích cực. Người xem có thể cảm nhận được phần nào nỗi vất vả, căng thẳng của những lực lượng tuyến đầu đang từng ngày, từng giờ chung tay đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Đồng thời, thông điệp 5K của Bộ Y tế trong các tác phẩm tranh vẽ đường phố được thể hiện sinh động, gần gũi, nhắc nhở tất cả mọi người nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Hiện nay, tại các quận, huyện của Hà Nội đều triển khai nhiều công trình bích họa đường phố tuyên truyền phòng, chống dịch. Chẳng hạn như tại Trường tiểu học Thạch Bàn (quận Long Biên), phố Phú Xá (quận Tây Hồ), UBND xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ)… Bên cạnh bích họa, nghệ thuật graffiti vốn được giới trẻ ưa chuộng cũng đã được ứng dụng để tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.

Từ những ngày đầu năm 2020 khi đại dịch mới xuất hiện, họa sĩ graffiti Lê Long và các cộng sự đã thực hiện một số tác phẩm với chủ đề “Chung tay đánh bay Covid-19” tại một số địa điểm ở Hà Nội. Nổi bật là một căn biệt thự ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) được phủ kín hình ảnh graffiti ấn tượng về Trái đất xanh tươi, về “truy nã” vi-rút, về “lá chắn” y tế và vắc-xin phòng bệnh. Nhận được sự chú ý, hưởng ứng của mọi người, hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội cũng mạnh mẽ, những tác phẩm tương tự đã được thể hiện tại phố Lâm Hạ (quận Long Biên), phố Trịnh Đình Cửu (quận Hoàng Mai), Quán Gánh (huyện Thường Tín)…

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng đó là những mô hình sáng tạo, hiệu quả nhằm tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh kết hợp đẩy lùi dịch bệnh, rất đáng hoan nghênh.

Còn theo các chuyên gia mỹ thuật, bích họa hay graffiti là những loại hình đặc biệt, có sự tương tác và kết nối chặt chẽ giữa nghệ thuật tạo hình với cộng đồng. Tranh bích họa còn mang tính thời sự và có khả năng phục vụ nhiều nhóm đối tượng khác nhau, với hình thức thể hiện đa dạng, phóng khoáng, dễ cảm thụ.

Khoảng 5 năm gần đây, bích họa đang phát triển tại nhiều đô thị và cả làng quê ở Việt Nam, mang đến điểm nhấn văn hóa - du lịch cho nhiều khu dân cư, nhưng cũng đã có những lo ngại về việc lạm dụng bích họa không có giá trị nghệ thuật. Trên thực tế, một số công trình bích họa tự phát vì thiếu sự khảo sát, nghiên cứu nên “lạc nhịp” với cảnh quan chung quanh, nhanh chóng bị xuống cấp hoặc bị xóa bỏ.

Còn bây giờ, từ nhu cầu và cảm xúc của cộng đồng, tranh bích họa cũng như một số loại hình nghệ thuật đường phố khác lại được phát huy với “nhiệm vụ” đồng hành và tiếp lửa cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tất nhiên, việc vẽ ở đâu, vẽ như thế nào cũng cần được các đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc cân nhắc và tham khảo ý kiến cộng đồng khi cần, để bảo đảm mỹ quan đô thị và nâng cao chất lượng nghệ thuật.

HẢI LÂM