Bóng đá Việt năm Mão: Năm của những cuộc dịch chuyển

Quốc kỳ, Quốc ca ệt Nam đến sân cỏ thế giới

“Trong tôi dâng trào cảm xúc, bởi trước đây tôi chưa bao giờ có cảm giác được cầm quân ở Cup, khi cả thế giới đón xem trận đấu và lắng nghe Quốc ca Việt Nam. Tôi cảm thấy vinh dự và xúc động khi được hát Quốc ca Việt Nam ở sân chơi thế giới”. Sau những giây phút tràn đầy xúc cảm, HLV Mai Đức Chung thổ lộ.

Thất bại trước đương kim và á quân World Cup trong lần đầu chính thức bước ra sân chơi thế giới không giảm đi giá trị mang tính lịch sử ấy. Lối chơi đầy quả cảm của những nữ chiến binh Sao Vàng xứng đáng nhận được những lời khen ngợi. “Chúng tôi đã hứa trước trận đấu rằng chỉ có thể thua kém về chuyên môn, về tầm vóc sức mạnh nhưng chắc chắn không thua kém về tinh thần quyết tâm”, câu nói đó của HLV Mai Đức Chung cũng mang tính lịch sử và đó là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ ngoại 80 tuổi Trần Ngọc cùng các cộng sự sáng tác 2 ca khúc liên hoàn dành tặng cho đội tuyển nữ Việt Nam và vị HLV đức tài vẹn toàn: “Những bông hồng chiến binh Việt Nam” và “Thầy - bản tình ca sáng mãi”.

Bóng đá nữ Việt Nam chuyển giao thế hệ

Từ sân chơi World Cup nữ, với cương vị là HLV nhiều tuổi nhất trong các số HLV dẫn dắt các đội tuyển, HLV Mai Đức Chung tiến thêm một bước trong quyết định chia tay đội tuyển. Trong thời gian còn lại, vị tướng già đã có sự chuẩn bị cho người kế nhiệm với động thái từng bước trẻ hóa đội tuyển nữ. “Tôi sẽ xây dựng lứa trẻ tốt rồi bàn giao cho người mới” HLV Mai Đức Chung nói và làm ngay với ASIAD 19, với việc 11 cầu thủ trẻ sinh sau năm 2000 trong danh sách 25 cầu thủ. Thực tế, chuyện đội tuyển nữ đôn nhiều cầu thủ trẻ đã trở thành thông lệ suốt 3 năm trước đó, nhưng chưa lúc nào các tài năng trẻ lại chiếm vai trò lớn như hiện tại. “Có những cầu thủ trẻ đẳng cấp, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ còn tiến bộ. Chúng ta sẽ không sợ không có người thay thế. Cần thay đổi tư duy và cách làm để bóng đá nữ VN tiến lên”, HLV Mai Đức Chung nói về yêu cầu xây dựng lứa kế cận để thay thế đàn chị. Sau Thanh Nhã, Thu Thương, Hải Linh, những Vạn Sự, Lan Anh, Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Duyên, Thúy Hằng... được trao cơ hội và đã thể hiện, chứng minh năng lực sẵn sàng thay thế các đàn chị Huỳnh Như, Thùy Trang, Chương Thị Kiều.

Bóng đá nam chuyển giao cả thế hệ lẫn triết lý

Bóng đá nam sớm có cuộc chuyển giao quyền lực từ cái tên quen thuộc Park Hang-seo sang Philippe Troussier. Ngay lập tức, cùng với việc từ bỏ lối chơi phòng ngự phản công “truyền thống” mang thương hiệu HLV Park Hang-seo chuyển sang triết lý bóng đá kiểm soát, cuộc trẻ hóa vì mục tiêu World Cup 2026 được khởi động. Có hơn 3 đợt tập trung từ đầu năm 2023 đến nay, mà lần nào cũng trên dưới 50 cầu thủ. Trong tay tân HLV người áp lúc nào cũng hơn 20 gương mặt trẻ, được “nhập” với lứa cựu trào, thậm chí thay thế vị trí của đàn anh ra sân ở những giải đấu chính thức như ASIAD, thậm chí cả vòng loại World Cup. Kèm với triết lý bóng đá kiểm soát, lứa trẻ trò ruột của HLV Troussier còn chiếm lợi thế hơn trong đội hình ưa dùng của người thầy mới. Dù chưa đạt những kết quả như mong đợi, nhưng đã phát lộ những gương mặt hứa hẹn cho tương lai như Thái Sơn, Văn Khang, Đình Bắc, Minh Trọng... Cũng từ đây, những Công Phượng, thậm chí Hồ Tấn Tài, Hoàng Đức phải nhường chỗ cho đàn em trong danh sách tập trung hoặc phải ngồi trên băng ghế dự bị. Có thể đây là xu hướng tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong các đội tuyển, nhưng cũng từng bước khẳng định một điều, lực lượng trẻ đang được tạo điều kiện hơn bao giờ hết để thể hiện và cống hiến.

Làn sóng Việt kiều “hồi hương” và nhập tịch

Thực tế, hiện tượng này xảy ra từ 2004, khi Ludovic Casset xin thử việc ở đội tuyển quốc gia, sau đó là Lee Nguyễn ở HAGL (2019), Mạc Hồng Quân ở Than Quảng Ninh, Đặng Văn Robert tại Hải Phòng... Nhưng kể từ lúc V.League quy định cho phép mỗi CLB được đăng ký 1 cầu thủ gốc Việt chưa nhập quốc tịch (2023), lượng cầu thủ Việt kiều gia nhập các CLB Việt Nam tăng đột biến, có 12 gương mặt Việt kiều chinh chiến ở V-League. Đáng kể, sau thành công của Đặng Văn Lâm ở vị trí thủ môn đội tuyển quốc gia, làn sóng nhập tịch bùng nổ và dẫn đến việc lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam và U23 3 cầu thủ Việt kiều, cùng Đặng Văn Lâm là Adriano Schmidt và Andrej Nguyễn An Khánh.

Mới đây nhất, Filip Nguyễn nhập quốc tịch Việt Nam thành công và được HLV Troussier điền tên vào danh sách sơ bộ tập trung đội tuyển. Tin vui này làm đến những Jason Quang Vinh (Pháp), Alexander Đặng (Na Uy), Kaelin Nguyễn Trương Khôi (New Zealand), Patrick Lê Giang (CH éc) và cả cầu thủ đã nhập tịch Vincent Trọng Trí (Pháp)... Vấn đề còn lại là những gương mặt này phải có màn trình diễn thật sự thuyết phục, để chiếm được lòng tin của HLV trưởng đội tuyển.

V.League đá theo khung thời gian quốc tế

V.League 2023-2024 là mùa giải đầu tiên các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam áp dụng khung thời gian thi đấu theo hệ thống từ AFC đối với cấp CLB và đồng bộ với các quốc gia châu Á và châu Âu. Việc thi đấu theo khung thời gian thống nhất với AFC cũng như châu Âu sẽ giúp thị trường chuyển nhượng trong nước sôi động hơn, cầu thủ Việt có nhiều cơ hội ra nước ngoài thi đấu bởi thời điểm chuyển nhượng tại Việt Nam và nước ngoài trùng nhau.

Chiều ngược lại, các đội bóng trong nước có cơ hội tuyển lựa những cầu thủ chất lượng để gia tăng sức mạnh. Nhìn rộng hơn, hệ thống thi đấu sẽ có tính đồng bộ cao, từ đó gia tăng chất lượng các giải đấu, các trận đấu. Về cấp độ quốc gia, những cầu thủ xuất ngoại thi đấu cho các CLB tại châu Á, châu Âu cũng tăng thêm cơ hội về phục vụ cho đội tuyển quốc gia nếu được chọn, thay vì “cơ chế đặc biệt” từ các CLB chủ quản và V-League sẽ không phải ngắt quãng nhiều lần để đội tuyển hội quân.

Công nghệ VAR chính thức được FIFA cấp phép tại V.League

Sau quá trình chuẩn bị dài hơi từ 2019, VPF đã chính thức được FIFA phê duyệt và cho phép áp dụng VAR từ 27-7-2023. Đây là một bước tiến trong công tác tổ chức, điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam.

VAR xuất hiện, phần nào đảm bảo sự công bằng cũng như chính xác trong từng trận đấu. Nhìn chung, công nghệ này đã giúp ích rất nhiều cho các trọng tài nhận định lại về các tình huống gây tranh cãi để đưa ra quyết định chính xác hơn. Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều bất cập trong việc sử dụng VAR. Đã xuất hiện nhiều ý kiến từ cổ động viên, huấn luyện viên không “tâm phục khẩu phục” VAR. Những tranh cãi liên quan tới trọng tài VAR áp dụng cho tình huống này cho CLB này nhưng không áp dụng cho tình huống tương tự ở CLB khác là nguyên nhân gây ra phản ứng ngược.

Có thể hiểu đây là những trở ngại có thể chấp nhận bởi đội ngũ trọng tài VAR vừa manh nha ra đời, được đào tạo gấp gáp, trọng tài sân còn lúng túng nghe theo phòng VAR hay nghe cầu thủ, “mắt” VAR chưa bao quát đủ các góc quay và quan trọng nhất vẫn là xe VAR vẫn chưa đáp ứng đủ 100% các trận đấu, nếu không muốn nói là quá ít theo nhu cầu.

Nhưng về lâu dài, VAR ở V.League là xu hướng tất yếu, cùng với những công nghệ phụ trợ khác mang tính chuyên nghiệp của các giải đấu.

THẾ DƯƠNG