Bước đi đầu tiên cho hệ thống tài chính toàn cầu mới

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh tại Paris. Nguồn: picture allianceLemouton Stephane/Pool/ABACA

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, hàng trăm nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ đã thảo luận về việc đại tu hệ thống tài chính toàn cầu. Mục tiêu là cung cấp cho các quốc gia phía Nam phương tiện để vận hành quá trình chuyển đổi sinh thái và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Để làm được điều này, hai tổ chức tài chính quốc tế chủ chốt sẽ phải được cải cách: Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tạm dừng nợ, mở quỹ IMF

“Các tổ chức như WB hay IMF đã được thành lập cách đây 70 năm để tài trợ cho phát triển và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng vào thời điểm đó, các tổ chức này không được thiết kế để giải quyết vấn đề khí hậu”, Benoît Leguet, Giám đốc Viện Kinh tế Khí hậu (I4CE) cho biết. Tuy nhiên, câu hỏi về vấn đề khí hậu này, vốn không có trong các cuộc họp tài chính của những năm 1950, giờ đây lại được đặt ra một cách khẩn cấp.

Nhất là khi 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước giàu trên thế giới từng cam kết năm 2015, để giúp các quốc gia đang phát triển khắc phục biến đổi khí hậu bắt đầu từ năm 2020, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vậy tiền đâu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi này? - đây là một số nội dung trong chương trình nghị sự của Hội nghị tại Pháp vừa qua.

Đình chỉ nợ của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể là một giải pháp. Thật vậy, 93% các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước thảm họa khí hậu đang ở trong tình trạng nợ chồng nợ, hoặc gần như mắc nợ, theo tổ chức NGO Action Aid. Từ giờ trở đi, “khi một quốc gia đối mặt với thảm họa khí hậu, người ta có thể hỗ trợ quốc gia đó đối phó với thảm họa bằng cách đình chỉ nợ, ít nhất là trong thời gian quốc gia đó tái thiết”, Claire Eschalier, chuyên gia tài trợ cho quá trình chuyển đổi ở các quốc gia phía Nam tại I4CE giải thích.

Lựa chọn thứ hai là mở quỹ dự trữ của IMF và cấp quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trong trường hợp khí hậu khắc nghiệt. Các quỹ đặc biệt này cho đến nay chỉ được phát hành rất hãn hữu, chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp (2008) hoặc gần đây là trong đại dịch Covid-19. Nhưng thảm họa khí hậu có thể trở thành lý do đủ để giải phóng các khoản tiền này.

Về những lựa chọn trên, một số kết quả đáng kể đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh. Theo tuyên bố bế mạc, các nước phát triển hiện đã đạt được mục tiêu, được tuyên bố vào năm 2021, chuyển 100 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của họ cho các nước đang phát triển. SDR cho phép tiếp cận tiền tệ do IMF nắm giữ và có thể đổi lấy tiền. Và WB cho biết các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu sẽ có thể tạm dừng trả nợ.

Những người tham gia Hội nghị cho biết, mục tiêu năm 2015 được đặt ra cho năm 2020 - cung cấp 100 tỷ USD để hỗ trợ hành động chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển - có khả năng đạt được trong năm nay. Họ cũng hứa hẹn khả năng cho vay thêm 200 tỷ USD trong 10 năm tới.

Các nước giàu cũng công bố thỏa thuận năng lượng sạch trị giá 2,5 tỷ euro với Senegal và Zambia đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ 6,3 tỷ USD. Việc thúc đẩy đánh thuế khí thải vận chuyển cũng nhận được sự ủng hộ. Và một quỹ đa dạng sinh học mới đã được các nước tham dự nhất trí thành lập.

Isabelle Albert, nhà đầu tư mạo hiểm phục hồi khí hậu tại Wind Capital có trụ sở tại Paris cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh đã tạo ra một số kết quả rõ ràng. Bà nói: "Điều tích cực là giờ đây sẽ đạt được mục tiêu chuyển SDR và những người tham gia đã đồng ý thành lập quỹ đa dạng sinh học mới, vì các hệ sinh thái như rừng nhiệt đới Amazon rất quan trọng để bảo tồn khí hậu của chúng ta”.

Bà Isabelle Albert nói thêm: “Điều này có thể giúp thiết lập lại một số niềm tin, mặc dù các nước đang phát triển vẫn đang chờ xem các quốc gia giàu có hiện thực hóa cam kết khác như đã hứa tại COP15 năm 2009”.

Kế hoạch tài chính mới được mở rộng

Bà Claire Eschalier, Giám đốc dự án tại Viện Kinh tế Khí hậu có trụ sở tại Paris cho rằng, việc áp dụng nhiều phương pháp tài chính khí hậu từ dưới lên là điều hợp lý.

Bà nói với DW: “Trước đây, hầu hết các khoản tài trợ đều dành cho các dự án cụ thể trong khi lẽ ra nó phải hỗ trợ một cách tiếp cận có hệ thống hơn để có tác động lớn hơn”. Bà nói thêm rằng, mô hình Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là bước đầu tiên đi đúng hướng. Theo kế hoạch tài trợ này, các quốc gia giàu có hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trên con đường hướng tới năng lượng sạch đồng thời giải quyết các hậu quả xã hội của quá trình chuyển đổi.

Ba JETP đã được ký kết kể từ tháng 11.202 với Nam Phi, Indonesia và Việt Nam. Và Senegal đã trở thành quốc gia JETP thứ tư tại Hội nghị Thượng đỉnh Paris vừa qua,

“Đây là một kế hoạch thí điểm rất thú vị, thông qua đó các nước tài trợ có thể tập trung hơn vào các nhu cầu tài chính cụ thể của các nước đang phát triển”, bà Eschalier nhận xét.

Thời khắc bước ngoặt

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định tại cuộc họp báo bế mạc rằng, Hội nghị Thượng đỉnh là một thời khắc bước ngoặt. Ông nói: “Hai ngày này đã cho phép chúng tôi xây dựng một sự đồng thuận mới cho hành tinh. Chúng tôi đã đưa ra một tài liệu trình bày chi tiết quan điểm chính trị chung về cấu trúc con đường hướng tới một cuộc cải cách sâu sắc về kiến trúc và quản trị tài chính quốc tế”.

“Hội nghị Thượng đỉnh này được đưa ra để xây dựng sự thống nhất quốc tế trong cách chúng ta đối phó với thách thức kép đang đối mặt: “cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng và biến đổi khí hậu”, ông Macron nói thêm.

Ông Olivier Damette, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Lorraine đồng ý rằng Hội nghị thực sự có thể là một bước ngoặt. “Thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Nghèo đói và nợ công tăng vọt trong vài năm qua cũng vì đại dịch Covid-19. Ngày càng nhiều quốc gia đang phát triển bên bờ vực vỡ nợ, biến đổi khí hậu ngày càng bộc lộ tác động và có mất niềm tin vào các tổ chức quốc gia và quốc tế”, ông nói. “Nhưng đây là lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo thảo luận về tất cả những thách thức khác nhau này cùng một lúc. Các hội nghị thượng đỉnh trước đó thường xử lý các chủ đề một cách riêng biệt”, ông lưu ý.

Lịch sử sẽ trả lời

Tuy nhiên, kết quả hội nghị vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là khi các nước giàu hầu như không tham gia vào các yêu cầu chính của Nam bán cầu về xóa nợ và cấp vốn mới. Các cổ đông lớn của WB như Mỹ nhấn mạnh việc làm cho các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn và kéo dài thời gian cho vay trước khi rót vốn mới. Bất kỳ hoạt động tái cấp vốn nào cũng sẽ có khả năng liên quan đến việc tăng cường đại diện bỏ phiếu cho Trung Quốc, điều mà nhiều nước G7 muốn tránh.

Một số chuyên gia cho rằng thời gian sẽ trả lời về kết quả của Hội nghị. Bà Isabelle Albert nói: “Đây là bước đầu tiên để đi đúng hướng, đây là hội nghị dẫn đường - lịch sử, những tháng và năm tới, sẽ cho biết liệu chúng ta có thể đạt được một quá trình chuyển đổi net zero hay không”.

Tổng thống Kenya William Ruto đã chia sẻ sự lạc quan thận trọng này. “Chúng tôi muốn có thêm một cuộc trò chuyện khác và chúng tôi rất vui vì cuộc trò chuyện này đã bắt đầu ở Paris”, ông nói trong cuộc họp báo cuối cùng.

Quốc Đạt