Bước tiến về tài chính khí hậu tại COP28

COP28 diễn ra từ ngày 30-11 đến 12-12 tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ảnh: Guardian

COP28 đang diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là sự kiện quan trọng bởi hai lý do chính. Đây là năm đầu tiên kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015, quá trình “kiểm kê toàn cầu” đánh giá các quốc gia thực hiện cắt giảm khí thải cần thiết; đồng thời cũng là thời điểm then chốt cải cách tư duy đổi mới về tài chính khí hậu để thực hiện mọi mục tiêu khí hậu.

Khởi động Quỹ “Tổn thất và thiệt hại”

Ngay trong ngày họp đầu tiên của hội nghị COP28, ngày 30-11, gần 200 quốc gia đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt, khi Quỹ “Tổn thất và thiệt hại” chính thức khởi động nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bước tiến này được kỳ vọng “tạo đà” giải quyết bài toán tài chính-vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Theo giới quan sát, việc chính thức thành lập quỹ mà các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đã mong đợi từ lâu mang lại chiến thắng sớm tại COP28. Reuters dẫn lời Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber khẳng định: “Chúng ta đã làm nên lịch sử. Đây là lần đầu tiên một quyết định được thông qua vào ngày đầu tiên của bất kỳ kỳ họp COP nào, và tốc độ thực hiện điều đó cũng là duy nhất, phi thường và mang tính lịch sử”.

Quỹ này cũng nhận được các khoản đóng góp từ nước chủ nhà UAE (100 triệu USD); Mỹ (17,5 triệu USD); Anh (ít nhất 51 triệu USD); Nhật Bản (10 triệu USD); ên minh châu Âu (EU) (245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD từ Đức). Những cam kết tự nguyện đóng góp của các nền kinh tế phát triển được đánh giá cao, trong bối cảnh giúp nước nghèo vẫn đang chật vật đối phó những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu do nguồn lực tài chính eo hẹp. Theo The Guardian, các nước giàu đã thực hiện lời hứa huy động 100 tỷ USD/năm nhưng đây chỉ là con số rất nhỏ so với mức 2.400 tỷ USD/năm, mức hỗ trợ cần thiết vào năm 2030, theo ước tính mới nhất.

Lo ngại từ “bản kiểm kê toàn cầu”

Bản “kiểm kê toàn cầu” do ên Hợp Quốc công bố gần đây cho biết, thế giới đã bị thụt lùi so với các mục tiêu về khí hậu, đồng thời cần hành động trên mọi mặt trận để giữ cho nhiệt độ chỉ tăng trong khoảng 1,5oC.

Theo dữ liệu được công bố vào ngày 3-11 bởi dự án Climate Trace, việc sản xuất điện ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sản xuất dầu khí ở Mỹ đã tạo ra mức tăng phát thải khí nhà kính toàn cầu lớn nhất kể từ năm 2015, thời điểm khi thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết. Đáng chú ý, lượng khí thải mê-tan, loại khí nhà kính mạnh gấp 80 lần so với CO2, cũng tăng lên, dù hơn 100 quốc gia trước đó đã ký cam kết giảm lượng khí thải này. Tại COP28, hơn 50 công ty dầu khí toàn cầu đã đăng ký “máy gia tốc khử cacbon” với cam kết giảm tác động đến khí hậu trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các nhà vận động khí hậu cho biết thỏa thuận này chưa đi đủ xa và không mang tính ràng buộc. Vốn sử dụng hình ảnh vệ tinh và phần mềm AI để xác định các nguồn phát thải với độ chính xác cao trên khắp thế giới, Climate Trace cung cấp những dữ liệu không thể chối cãi về thực trạng nhiều quốc gia và doanh nghiệp không cung cấp chính xác số liệu về hành vi phát thải thực tế của họ. Ông David Tong, Giám đốc chiến dịch công nghiệp toàn cầu của Oil Change International, cho biết: “Chúng ta cần những thỏa thuận pháp lý chứ không phải những lời cam kết tự nguyện. Khoa học chứng minh rất rõ ràng: để duy trì mức nóng lên toàn cầu dưới 1,50C, đòi hỏi phải loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch ngay từ bây giờ”.

2023 là năm đầu tiên kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết, các quốc gia sẽ nhìn lại tiến triển họ đạt được trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Sau COP28, các quốc gia sẽ có thời hạn đến năm 2025 để đệ trình kế hoạch mới nhằm chống biến đổi khí hậu. Điều này sẽ thực sự quyết định liệu thế giới có đang đi đúng hướng hay không. Cộng đồng quốc tế mong muốn các quốc gia cần phải kiềm chế những khẩu hiệu trống rỗng và có thái độ thực tế hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, giải quyết những lo ngại như an ninh năng lượng, việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Trong khuôn khổ COP28, nước chủ nhà UAE công bố thành lập quỹ khí hậu ALTÉRRA trị giá 30 tỷ USD nhằm thu hút khoản đầu tư trị giá 250 tỷ USD vào cuối thập niên này. Dự kiến, quỹ này sẽ phân bổ 25 tỷ USD cho các chiến lược khí hậu và 5 tỷ USD để khuyến khích dòng đầu tư vào khu vực Nam bán cầu, qua đó thúc đẩy các thị trường tư nhân hướng tới đầu tư vào khí hậu và tập trung vào việc chuyển đổi các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, nơi rủi ro cao hơn đã cản trở đầu tư truyền thống.

THƯ LÊ