Cà Mau: Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, y tế, nhà ở, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất và sinh hoạt…Bên cạnh đó, các cấp, các ngành địa phương tích cực vào cuộc huy động mọi nguồn lực của xã hội hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Thạch Ngọc Đức ở Ấp 7, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau chăm sóc ao nuôi tôm. Ảnh Phương Nghi

Nói về sự phấn đấu vươn lên của bà con đồng bào dân tộc, ông Thạch Ngọc Đức, người uy tín trong đồng bào Khmer Ấp 7, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình cho biết: “Ý thức của bà con được nâng lên rất nhiều, họ chí thú làm ăn để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Không còn cảnh tụ tập chơi bời, nhậu nhẹt như trước nữa. Khi vận động thì hầu hết đều chấp hành các chủ trương rất tốt”.

Ông Thạch Ngọc Đức cũng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, được bà con trong cộng đồng tín nhiệm. Sự tín nhiệm ấy bắt nguồn từ tấm gương vượt khó vươn lên của ông. Hiện tại, ông có 1,9 ha đất áp dụng mô hình trồng lúa, nuôi tôm. Ngoài ra, còn kết hợp nuôi cá chình, cá bống tượng và chăn nuôi, mỗi năm đem về cho gia đình 200 triệu đồng. Ông Thạch Ngọc Đức kể: “Có lúc tôi vay vốn ngân hàng nhiều lần, cộng lại gần 200 triệu đồng. Nhờ trúng tôm với nuôi cá chình, cá bống tượng bán được giá, chỉ trong vòng 3 năm tôi trả dứt nợ. Lúc đó nhiều người hỏi sao không xây nhà rồi hãy trả nợ, nhưng tôi quyết tâm trả nợ ngân hàng xong, còn dư bao nhiêu mới quyết định cất nhà. Căn nhà sau khi hoàn thành khoảng 300 triệu đồng”.

Ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: Hai năm qua, mặc dù kinh tế vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid – 19, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành các cấp trên các lĩnh vực đã từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Năm 2022 được xem là năm bản lề để thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025. Qua phân loại từng tiêu chí đánh giá hộ nghèo, đến nay Cà Mau còn hơn 1.200 hộ nghèo (chiếm trên 13%) và trên 600 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số” – ông Nhỏ nói.

Phấn đấu thu nhập bình quân tăng trên 2 lần

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ – TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Theo Kế hoạch số 154/KH –UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 10 dự án, với tổng kinh phí thực hiện trên 374,6 tỷ đồng. Trong đó, gần 70% vốn sẽ được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, với trên 260,7 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ trên 231,6 tỷ đồng và ngân sách tỉnh bố trí đối ứng là 29,1 tỷ đồng); còn lại là vốn tín dụng chính sách trên 97,6 tỷ đồng và vốn huy động khác 16,2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Một số mục tiêu cụ thể trọng tâm theo kế hoạch đề ra đến năm 2025 làphấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm trên 2%/năm; ít nhất 40% số xã (2 xã) và 51,2% số ấp, khóm (22 ấp, khóm) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tiếp tục duy trì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; 80% ấp, khóm vùng DTTS có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa theo chuẩn nông thôn mới; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng bổ sung 4 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Salatel) cho vùng đồng bào DTTS...”

Phương Nghi