Chăm lo cho công nhân không chỉ là câu chuyện của một tháng

Nhưng chỉ một Tháng Công nhân được tổ chức trong năm sẽ là chưa đủ để người lao động được hưởng đầy đủ phúc lợi đoàn viên. Những hoạt động bảo vệ, chăm lo cho người lao động cần được tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp tổ chức thường xuyên hơn, chứ không nên chỉ chờ đến tháng 5 và tập trung trong tháng 5.

Chúng ta đều biết, khi áp lực về tiến độ, năng suất, chất lượng trong lao động ngày càng lớn, thì sức lực công nhân ở nhiều doanh nghiệp càng bị “bào mòn”. Trong bối cảnh ấy thường xuất hiện nhiều vấn đề như chủ doanh nghiệp yêu cầu tăng ca, gây áp lực để công nhân phải làm việc nhiều hơn, nhưng sự hưởng thụ thì lại chưa tương xứng. Nhiều công nhân lao động đã bị quá tải, thậm chí bị bạo lực, mắc các bệnh nghề nghiệp từ chính những yêu cầu quá mức mà chủ doanh nghiệp đặt ra.

Tại Kế hoạch số 18/KH-TLĐ ngày 5/2/2024, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đặt ra chủ đề là “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” và xác định 5 hoạt động chủ yếu của Tháng Công nhân năm 2024, trong đó các hoạt động được khuyến khích cơ sở triển khai là: “Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”...

Có thể thấy trong Tháng Công nhân năm nay, các cấp công đoàn đã chọn ra những hoạt động rất thiết thực, những vấn đề mà công nhân đang cần. Bên cạnh những hoạt động đã có tiền lệ như “Đối thoại tháng 5” hay “Cảm ơn người lao động”, việc được người lao động chờ đợi đó là các cấp công đoàn sẽ tập trung đưa nhanh nghị quyết đại hội vào cuộc sống.

Năm 2023 các cấp công đoàn Việt Nam đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2023-2028 với rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Người lao động tin tưởng và chờ đợi những con số, những chỉ tiêu, khâu đột phá mà đại hội xác định sẽ sớm đi vào cuộc sống, giúp đời sống công nhân được cải thiện, chăm lo và bảo vệ tốt hơn. Tháng Công nhân năm 2024 vì thế được hy vọng sẽ là cao điểm chăm lo đầu tiên để các cấp công đoàn cụ thể hóa điều đó. Và điều mong mỏi lớn hơn đó là, sau Tháng Công nhân các hoạt động chăm lo, tôn vinh, bảo vệ người lao động không đi vào thoái trào, mà cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ. Việc chăm lo phải bằng những việc làm cụ thể, ưu tiên những người lao động trực tiếp, công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Lãnh đạo công đoàn, lãnh đạo đơn vị cần đến hiện trường sản xuất, quan tâm đến nơi ăn, chốn ở, để thấu hiểu nỗi khó nhọc của công nhân, từ đó đưa ra việc chăm lo phù hợp, thiết thực, không rập khuôn, hình thức.

Tuệ Minh