Ca sĩ Tân Nhàn: Tôi từng mất tới 80% khả năng ca hát

Hoang mang và lo sợ

- Phóng viên: Chào ân Nhàn, cách đây không lâu chị từng nhắc đến chuyện nghỉ hát. Thực hư chuyện đó thế nào?

- Ca sĩ Tân Nhàn: Hai năm vừa qua, mỗi ngày tôi đều phải đối diện với việc có thể bị mất đi giọng hát. Tôi không thể hát được như trước và có nhiều lúc cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Tôi cảm nhận mình đã mất tới 80% khả năng này, đã nghĩ đến việc phải rời sân khấu và chỉ tập trung vào công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, rồi mở một trung tâm đào tạo nghệ thuật để nối dài tình yêu âm nhạc. Quãng thời gian đó tôi loay hoay với rất nhiều suy nghĩ, trong đó có những hoang mang và lo sợ. Tôi cảm thấy bất lực, muốn buông xuôi khi hy vọng và nỗ lực lấy lại giọng hát không khả quan.

- Lý do gì khiến chị rơi vào biến cố đáng ngại ấy?

- Tôi bị suy kiệt sức khỏe sau sinh và trải qua 3 lần nhiễm Covid-19. Ngay trong thời kỳ mang thai, tôi đã mất tiếng, ngạt mũi, nhất là sau thời điểm nhiễm Covid-19 lần đầu. Giọng của tôi suy yếu hẳn, hơi thở không còn như bình thường. Tôi từng nghĩ, chắc sau khi mẹ tròn con vuông sức khỏe hồi phục, tôi sẽ sớm trở lại. Nhưng tất cả không phải vậy. Sinh con xong, tôi tiếp tục trải qua 2 lần nhiễm Covid-19 nữa nên hy vọng lấy lại giọng hát càng trở nên xa vời…

- Hẳn đó là quãng thời gian rất khó khăn với chị?

- Có lẽ khó có thể nói hết những tuyệt vọng khi mỗi ngày tôi đều nhận thấy rõ ràng giọng hát đang rời xa mình. Tôi trở nên yếu đuối, sợ hãi, luôn thiếu tự tin dù khán giả vẫn dành những lời khen ngợi qua mỗi chương trình. Người thân, bạn bè nói tôi vẫn hát tốt, chỉ là tôi quá kỳ vọng vào chính mình mà thôi. Nhưng tôi không chấp nhận nổi sự thật. Với tôi, dù mất 10 - 20% khả năng thì tôi không còn là chính mình chứ chưa nói đến việc trong 2 năm đó, giọng hát của tôi chỉ bằng một phần của ngày xưa. Nhiều thời điểm tôi không dám nhận lời đi hát dù nhận được lời mời khá nhiều.

Ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn hiện đang là Phó Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Qua việc phát hành album DVD online đầu tiên với tên gọi “Người Hà Tĩnh có thương” (gồm 9 ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Trung) Tân Nhàn nói, sự đón nhận của khán giả chính là phần thưởng lớn lao nhất. Cô sẽ chính thức trở lại và tích cực ra nhiều sản phẩm âm nhạc mới trong thời gian tới đây. Album đồng thời cũng là sản phẩm được phát hành nhân dịp Tân Nhàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT cho những cống hiến với nghề.

- Đúng là dịp đầu năm 2023 khi là nhân vật chính của chương trình “Con đường âm nhạc”, chị hát vẫn rất tốt mà?

- Thật ra hồi đó tôi từng có ý định dừng lại việc thực hiện chương trình này vì thấy không tự tin vào giọng hát của mình. Tôi thực sự thấy khổ sở, lo âu đến mức “stress” trước đêm diễn. Song, cũng nhờ sự hết lòng động viên của ê-kíp thực hiện chương trình, bạn bè, người thân, cuối cùng tôi đã hoàn thành vai trò trong chương trình và nhận được sự động viên, khen ngợi từ mọi người. Thời điểm đó, nhờ nỗ lực tập luyện và những phương pháp điều trị thích hợp, giọng hát của tôi cũng hồi phục được phần nào. Nhưng sau đó, do sức khỏe của tôi không tốt nên rất khó khăn để có thể ổn định.

Khi có rung cảm thì sẽ có động lực

- Chị đã vượt qua nỗi tuyệt vọng đó như thế nào?

- Một ngày, tôi vô tình nghe học trò của mình hát ca khúc “Người Hà Tĩnh có thương” trên sóng truyền hình. Nghe ca khúc, tự dưng nước mắt tôi trào ra vì thấy sao bài hát có giai điệu yêu thương, tình cảm đến vậy. Những rung cảm bỗng chốc trỗi dậy một cách mãnh liệt. Tôi nhận ra tình yêu ca hát lớn lao và tha thiết từ trái tim mình, nhận ra mình không thể buông xuôi và từ bỏ, phải hát được trở lại như ngày xưa. Và rồi tôi quyết tâm hồi phục giọng bằng mọi giá. Có lẽ khi người nghệ sĩ có rung cảm với âm nhạc thì đó là động lực vô cùng lớn lao, thôi thúc vượt lên tất cả để được sống với âm nhạc. Sau đó, tôi quyết định thực hiện một album với những ca khúc âm hưởng dân gian miền Trung, về quê hương, con người miền Trung, lấy tên “Người Hà Tĩnh có thương”.

- Chắn chắn để có được sự “hồi sinh” này là hành trình không ít khó khăn và gian nan mà chị đã trải qua?

- Đúng vậy! Tôi đã phải luyện hơi thở, luyện thanh trở lại như một sinh viên mới vào trường nhạc. Những giờ lên lớp cũng là những giờ mà tôi luyện tập, học cùng các học trò của mình. Ít ai biết ngày vào phòng thu để thu âm ca khúc “Người Hà Tĩnh có thương”, tôi đã vừa hát vừa khóc vì thấy có những việc mình từng làm rất dễ như luyến láy khiến các nhạc sĩ phụ trách phòng thu phải nể phục vì thu âm siêu nhanh và hiệu quả, thì giờ đây lại rất khó khăn để có thể làm được.

Dù cảm xúc căng đầy với âm nhạc, dù bản thân run rẩy vì xúc động, nhưng tổn thương thanh quản đã khiến tôi bất lực. Lần đầu tiên thu âm một ca khúc mà tôi đã làm đi làm lại nhiều lần, mất nhiều thời gian hơn so với trước kia. Tuy nhiên, điều quan trọng là tôi quyết tâm không bỏ cuộc, vượt lên tất cả những lo âu và cả cảm giác bất lực. Sau cùng, tôi cũng đã thành công và thu âm thuận lợi 9 ca khúc cho album này. Khó có thể nói hết tôi đã hạnh phúc đến thế nào khi hoàn thành. Nó khẳng định chiến thắng của tôi đối với chính bản thân, cho dù chưa hoàn toàn được như xưa, nhưng đã đưa Tân Nhàn trở lại với âm nhạc. Album này rất đặc biệt trong sự nghiệp của tôi là vì vậy.

- Nhiều người tò mò tại sao chị lại chọn ca khúc về miền Trung để đánh dấu sự “hồi sinh” giọng hát của mình, bởi chị không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này?

- Tôi hát và thực hiện album này vì niềm hạnh phúc riêng. Tình yêu với âm nhạc, với những ca khúc âm hưởng dân gian miền Trung đã là động lực để tôi vượt qua biến cố về sức khỏe. Album này mang những dấu ấn lớn trong sự nghiệp, cuộc sống của tôi là vì thế chứ hoàn toàn không để chứng minh điều gì, cũng không mang những thông điệp to tát, kỹ thuật cao siêu gì, cũng quay hình giản dị chứ không công phu, hoành tráng… Album đơn thuần của một nghệ sĩ sản xuất trong thời gian khó khăn, tuyệt vọng về sức khỏe, nỗi lo có thể mất đi con đường ca hát mà cuối cùng đã tìm lại được cảm xúc, tình yêu với âm nhạc.

Trải qua những điều đó, tôi càng thấu hiểu con người ta càng khó khăn thì càng cần có niềm tin để vượt lên nghịch cảnh. Đối với tôi, niềm tin ấy chính là đức tin vào âm nhạc. Nhờ âm nhạc mà tôi đã mạnh mẽ hồi sinh. Tôi không phải người con của miền Trung, nhưng khi hát về miền Trung tôi có những rung cảm rất khó giải thích. Như khi hát bài “Người con gái sông La” về những cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống nơi ngã ba Đồng Lộc, tôi đã khóc rất nhiều.

- Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!