Cải cách hành chính tạo động lực cho Đồng Nai phát triển

Đồng Nai cần nỗ lực hoàn thiện quy hoạch chung của tỉnh để làm cơ sở pháp lý cho thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa giáp với sông Đồng Nai. Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Trong bối cảnh cạnh tranh về thu hút đầu tư, Đồng Nai cần tiếp tục coi cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá để không chỉ duy trì vị thế phát triển vốn có, mà còn phải tăng tốc phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, thực sự coi người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của phát triển.

Củng cố vị thế đầu tàu

Để có được vị thế tốp đầu cả nước về phát triển như hôm nay, Đồng Nai đã trải qua một quá trình không ngừng nỗ lực vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ vào phát triển. Đến nay, tỉnh đã có 32 khu công nghiệp (KCN) tập trung quy mô lớn, thu hút hàng ngàn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thuê đất phát triển sản xuất, kinh doanh. Sự phát triển nối dài danh sách các KCN chính là động lực tạo ra hàng tỷ USD xuất khẩu hàng hóa, hàng triệu việc làm, hàng chục ngàn tỷ đồng thu ngân sách nhà nước mỗi năm. Phát triển công nghiệp cũng chính là “thỏi nam châm” thu hút lao động, giúp cho Đồng Nai phát triển cộng đồng dân cư đông đúc và dồi dào tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ chính sách thông thoáng mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Đồng Nai sớm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa nền kinh tế. Một trong những ví dụ điển hình là Tập đoàn Taekwang của Hàn Quốc. Tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994 với việc thành lập Công ty CP Taekwang TKG Vina và chọn Đồng Nai để xây dựng nhà máy đầu tiên, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu. Trải qua 30 năm phát triển tại Đồng Nai, ngoài nhà máy lớn tại KCN Biên Hòa 2 hiện có trên 30 ngàn lao động, Taekwang TKG Vina còn có nhà máy lớn tại KCN Agtex Long Bình (thành phố Biên Hòa) cùng một trường mầm non phục vụ con em công nhân tại đây.

Theo lãnh đạo Công ty CP Taekwang TKG Vina, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty phát triển ổn định trong 30 năm qua có phần hỗ trợ rất quan trọng của tỉnh Đồng Nai, nhất là việc hỗ trợ địa điểm xây dựng các nhà máy, giải quyết thủ tục liên quan đến xây dựng, tuyển dụng lao động và các thủ tục thuế, hải quan… Sở Lao động, thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh luôn hỗ trợ tích cực cho công ty thực hiện đúng các chính sách, đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Từ đó, công ty đã luôn giữ vững ổn định quan hệ lao động, đứng vững và vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất định, nhất là giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết, năm 1994, huyện Nhơn Trạch được thành lập, khi đó mới chỉ có 3 KCN tập trung nhưng còn đất trống khá nhiều. Với chính sách thông thoáng về thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, đến nay huyện đã có 9 KCN đi vào hoạt động. Các KCN trên địa bàn huyện đã đón nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc, Formosa của Đài Loan (Trung Quốc)… Trong tốp 10 doanh nghiệp nộp thuế xuất khẩu lớn nhất Đồng Nai năm 2023 thì có đến 7 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch.

Khơi thông nguồn lực

Nhiều năm liên tục, Đồng Nai luôn duy trì vị thế là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Đồng Nai đang có dấu hiệu chững lại bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đã nhanh chóng có sự vươn lên mạnh mẽ nhờ vận dụng tốt các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, đồng bộ cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác CCHC, đơn giản hóa TTHC tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 (khóa XI) vào đầu tháng 4 vừa qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đã bày tỏ trăn trở, những nhiệm kỳ trước tăng trưởng kinh tế hàng năm của Đồng Nai luôn ở mức cao, gấp
1,5-2 lần hiện tại. Tăng trưởng của tỉnh luôn cao hơn nhiều so với tăng trưởng trung bình của cả nước nhưng hiện tại chỉ ở mức “nhỉnh” hơn, không đáng kể.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, phải nhanh chóng khơi thông các nguồn lực giúp “con tàu” kinh tế Đồng Nai tăng tốc nhanh hơn, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, bởi nếu biết tận dụng thời cơ mới thì dư địa và cơ hội tương lai đang rất rộng mở với tỉnh.

Trước hết, cần phải sớm hoàn chỉnh và được phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh. Đây chính là mấu chốt, là cơ sở pháp lý để Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh mời gọi đầu tư, sớm hoàn thành triển khai các KCN mới chuyên về thu hút dòng vốn công nghệ cao. Các KCN tập trung hiện có đều đã phủ kín nhà đầu tư. Đặc biệt, Đồng Nai cần phải tiếp tục đơn giản hóa các TTHC theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp đến với tỉnh nhưng vì thủ tục vướng mắc và rườm ra rồi không quay trở lại.

Những năm trước, Đồng Nai luôn được đánh giá cao ở các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số CCHC (Par index). Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, Đồng Nai luôn ở nhóm tỉnh, thành có xếp hạng thấp về các chỉ số này. Những con số thống kê các chỉ số phản ánh đúng một phần thực tế là còn có những doanh nghiệp than phiền về chất lượng giải quyết TTHC ở các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Điển hình, mới đây một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN đã phản ánh tình trạng ngành thuế, tài nguyên và môi trường chậm trễ trong giải quyết TTHC suốt nhiều tháng. Phản ánh này sau đó đã được giải quyết rốt ráo trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy vướng mắc không quá lớn, chỉ cần tập trung giải quyết sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, Đồng Nai có truyền thống phát triển và có vị thế là một trong những tỉnh, thành đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội, vì thế phải tiếp tục có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để không những duy trì vững chắc, mà còn phải tăng tốc hướng đến những mục tiêu cao hơn. Cần phải cụ thể hóa các giải pháp bằng quyết tâm chính trị của cả hệ thống, trong đó phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC và giải quyết TTHC. Phải quyết liệt khi xem xét trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu nếu để xảy ra chậm trễ trong giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp, trong phối hợp tham mưu cho tỉnh triển khai các dự án, sự việc cụ thể.

Công Nghĩa