'Cần sớm xây khung pháp lý cho tài chính cá nhân'

Tài chính cá nhân là nền tảng quan trọng trong cuộc sống mỗi cá nhân và gia đình, bởi nó liên quan trực tiếp đến việc quản lý và sử dụng tài sản cũng như tiền bạc một cách khôn ngoan và hiệu quả. Nó bao gồm một loạt các quyết định và hoạt động tài chính, với mục tiêu tạo ra một kế hoạch chi tiêu và đầu tư đúng đắn cho tương lai.

Không chỉ dừng lại ở việc quản lý tiền bạc hàng ngày, tài chính cá nhân còn liên quan đến các quyết định về bảo hiểm, hưu trí và di sản. Điều này đảm bảo cho mỗi người và gia đình được bảo vệ khỏi những rủi ro không mong muốn và có đủ tài chính để vượt qua các khó khăn trong tương lai. Chính vì vậy, ngành hoạch định tài chính cá nhân ra đời. Hoạch định tài chính cá nhân là quá trình xác định mục tiêu tài chính, phân tích tình hình tài chính hiện tại và lập kế hoạch thực hiện các hoạt động tài chính để đạt được mục tiêu. Hoạch định tài chính có thể giúp mỗi cá nhân quản lý thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm một cách có hệ thống và hiệu quả.

Hoạch định tài chính cá nhân cũng giúp mỗi người chuẩn bị cho các rủi ro và cơ hội trong cuộc sống, như mất việc, kết hôn, sinh con, mua nhà, nghỉ hưu và di chuyển. Bằng cách hoạch định tài chính cá nhân, mỗi cá nhân có thể kiểm soát tài chính của mình, thực hiện các quyết định tài chính thông minh và đạt được các ước mơ của mình. Việc hoạch định tài chính cá nhân tốt còn giúp con người tiệm cận đến mức độ tự do tài chính, góp phần phát triển và tổng hợp hiệu quả nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kinh tế và xã hội.

Mặc dù có ý nghĩa lớn như thế nhưng tại Việt Nam, tài chính cá nhân nói chung và ngành hoạch định tài chính cá nhân nói riêng mới chỉ đang bắt đầu phát triển và gặp phải nhiều tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua. Chúng ta còn thiếu kiến thức, thiếu khung pháp lý, chưa có một chuẩn mực nào về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc hay đạo đức nghề nghiệp dẫn tới các vụ việc lừa đảo gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế.

Tồn tại lớn nhất và cần được khắc phục sớm là hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính cá nhân và ngành hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam trước nhu cầu thực tế của xã hội. Hiện nay tại Việt Nam chưa có một quy định cụ thể cho lĩnh vực này mà chỉ dựa trên những luật có liên quan.

Đầu tiên phải kể đến là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và sẽ được thay thế bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 từ ngày 1/7/2024. Có lẽ tính đến thời điểm hiện tại, đây là đạo luật gần gũi nhất có một số quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các lĩnh vực hàng hóa dịch vụ, tuy nhiên, mới chỉ giới hạn ở tài chính cá nhân dưới góc độ tiêu dùng, sinh hoạt mà chưa bao gồm hoạt động đầu tư.

Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã hoàn thiện hơn, đưa ra các quy định bảo vệ người tiêu dùng đối với:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: Nhấn mạnh vai trò bảo vệ thông tin người dùng, có các quy định hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bên cạnh các trách nhiệm khác. Luật này cũng có thêm các quy định bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch từ xa, giao dịch qua internet.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và và tổ chức chính trị - xã hội: Có vai trò chung trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn để người dân hiểu rõ và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đây là một nhân tố quan trọng trong giai đoạn mới với các trọng trách sau:

a) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu;

b) Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

c) Tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan;

đ) Tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu;

e) Độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm do mình thực hiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; phản ánh, đánh giá mức độ tin cậy của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

g) Đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật;

h) Tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi đáp ứng điều kiện của luật;

i) Tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng.

Cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Luật sư Đào Tiến Phong

Dưới góc độ đầu tư, Việt Nam có luật chung về đầu tư là Luật đầu tư năm 2020 và Luật doanh nghiệp 2020, tuy nhiên hai đạo luật này chủ yếu quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật đầu tư 2020 và Luật doanh nghiệp 2020 không có quy định về đầu tư tài chính cá nhân hay hoạch định tài chính cá nhân dưới góc độ đầu tư. Do đó, việc hoạch định tài chính có liên quan chỉ có thể áp dụng Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sau khi đã có được định hướng sẽ đầu tư cái gì.

Tại Việt Nam, cũng có hai luật liên quan sát sườn tới hoạt động đầu tư cá nhân là Luật chứng khoán 2019 và Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Luật Chứng khoán điều chỉnh các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Còn Luật Bảo hiểm quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hai luật này cũng chỉ quy định chi tiết về chuyên ngành của mình và chưa có quy định cụ thể về tài chính cá nhân hay hoạch định tài chính cá nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, bao gồm các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác. Luật này cũng quy định về tiền gửi, tín dụng, cho vay và các dịch vụ tài chính liên quan.

Dưới góc độ hình sự, khá may mắn khi Bộ luật hình sự 2015 có nhiều quy định có thể vận dụng để bảo vệ người dân dưới góc độ tiêu dùng và đầu tư như những tội liên quan tới kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, thậm chí có cả tội lừa dối khách hàng.

Như vậy đến thời điểm hiện tại, khung pháp lý cụ thể cho tài chính cá nhân và ngành hoạch định tài chính cá nhân hoàn toàn chưa có, tất cả chỉ vận dụng các luật liên quan nên mức độ hiệu quả trong việc quản lý và phát triển tài chính cho người dân sẽ chưa cao. Lĩnh vực tài chính cá nhân ngày càng phát triển mạnh khi dân trí được nâng cao, do đó nhu cầu bức thiết có một khung pháp lý cụ thể cho tài chính cá nhân và hoạch định tài chính cá nhân thực sự cần thiết. Sự sớm ra đời khung pháp lý cho tài chính cá nhân và ngành hoạch định tài chính cá nhân sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

LS Đào Tiến Phong