Cập nhật kiến thức nuôi con khỏe mạnh

BS Ngọc Yến tư vấn cho mẹ bệnh nhi về sức khỏe của trẻ.

Hơn một tháng đón “thành viên nhí”, gia đình bà Năm (ở phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vẫn chưa bớt bận rộn. Do mới sinh con đầu lòng, vợ chồng anh Nam - chị Hoa khá lúng túng khi chăm sóc em bé mặc dù đã chủ động tham gia lớp tiền sản và tìm hiểu thêm thông tin về trẻ sơ sinh. Chị Hoa muốn cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong khi ông bà Năm sợ cháu đói nếu không cho bú dặm thêm sữa bột. Có hôm bé bị nóng âm ấm, người thân không biết khi nào cần thiết cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Tình trạng rôm sẩy và những vết bớt trên da bé khiến người thân lo lắng…

Thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, BS CKI Thạch Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, tư vấn nhiều thông tin hữu ích giúp các bậc cha mẹ cập nhật kiến thức để nuôi con khỏe mạnh. Về cách chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà, BS Ngọc Yến lưu ý tình trạng sốt ở trẻ. Cha mẹ thường lo lắng khi đột nhiên con sốt cao, càng lo lắng hơn khi sốt từ 2 lần trở lên không thấy hạ. Sốt là khi thân nhiệt đo ở hậu môn hoặc nhiệt độ ở màng nhĩ trên 38 độ C. Nhiệt độ ở nách thấp hơn ở hậu môn 0,5 độ. Có 3 mức độ sốt gồm sốt nhẹ, từ 37,1 đến 38 độ, sốt trung bình từ 38 đến 38,9 độ và sốt cao trên 39 độ C.

Theo bác sĩ, sốt là phản ứng sinh lý bình thường, đôi khi cũng là triệu chứng của bệnh nhiễm siêu vi hay vi khuẩn. Ngoài ra, còn do bệnh miễn dịch hệ thống, bệnh ác tính hoặc sốt do thuốc, sau chích ngừa... Khi trẻ sốt, cần đưa đến bác sĩ thăm khám, điều trị. Ở nhà, cha mẹ chăm sóc cho trẻ bị sốt cần lưu ý: cởi bớt quần áo, cho trẻ nằm chỗ thoáng hoặc nhiệt độ phòng từ 25-27 độ C; uống nhiều nước; dinh dưỡng đầy đủ, bình thường theo độ tuổi. Cha mẹ theo dõi nhiệt độ của trẻ khoảng 6-8 giờ/lần; cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt theo toa của bác sĩ.

Bác sĩ Ngọc Yến cũng lưu ý, không phải lúc nào cũng lau mát cho trẻ; chỉ lau khi trẻ sốt cao kèm đang co giật; sau khi dùng thuốc hạ nhiệt 30 phút trẻ vẫn còn sốt trên 40 độ C kèm kích thích, dọa co giật. Dùng nước ấm hoặc nước thường, không lau bằng nước cồn và ngừng lau mát khi thân nhiệt dưới 38,5 độ C.

Theo BS Ngọc Yến, không ít lần các bác sĩ khoa Nhi - Sơ sinh chứng kiến cảnh đau lòng, cha mẹ đưa con bị sặc sữa đến BV cấp cứu, dù bác sĩ ra sức cứu chữa, nhưng đã trễ. Vì vậy, việc trang bị kiến thức phòng ngừa và xử trí sặc sữa cho những người trực tiếp chăm sóc trẻ rất cần thiết.

Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị sặc sữa như: đột ngột tím tái khi đang bú, sau khi bú hoặc khi bé đang ngủ. Ngoài ra, bé đột ngột ngừng thở hoặc thở nấc; sữa đột ngột trào ra từ miệng. Khi đó, lập tức dừng cho trẻ bú, nghiêng người bé sang một bên cho sữa trào ra ngoài đồng thời quan sát bé. Nếu em bé tím tái, cha mẹ vỗ lưng, ấn ngực cho bé. Ðể biết cách thực hiện đúng, bố mẹ có thể tải các video trên Internet hướng dẫn xử trí cấp cứu cho trẻ bị sặc sữa về xem thường xuyên và mua búp bê để thực hành. BS Ngọc Yến và ê-kíp truyền thông BV Phụ sản TP Cần Thơ đã thực hiện video hướng dẫn phương pháp này, đăng tải trên trang Facebook của BV, phụ huynh có thể tìm xem. Sau sơ cứu, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và điều trị, vì em bé dễ có nguy cơ viêm phổi sau sặc sữa.

Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ có thể gặp một số biểu hiện về da. Bé bị mụn sữa trắng đục, li ti, không viêm, xuất hiện ở mũi, cằm, trán và mặt, đường giữa vòm miệng, nướu sẽ tự mất sau vài tuần. Trẻ sơ sinh hay bị rôm sảy, là bệnh ngoài da khá phổ biến do cơ thể tiết nhiều mồ hôi và vệ sinh không kịp thời dễ làm tuyến mồ hôi bị tắc, bít. Rôm sảy thường ở vị trí như cổ, mặt, nếp gấp, nách nhưng không có tình trạng nhiễm trùng dù có thể sang thương giống mụn mủ. Trẻ bị viêm da tã lót với những mảng sẩn đỏ, nề, đau vùng tiếp xúc tã sẽ được cải thiện nếu cha mẹ chú ý thay tã thường xuyên, chăm trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Trẻ cũng có thể bị các loại vết bớt, như vết bớt mông cổ, có sắc tố màu xanh đen, độ đậm lợt thay đổi, thường ở mông và lưng, sẽ mất dần khi lớn lên.

BS Yến tư vấn: “Dù biểu hiện là thoáng qua, lành tính hay bệnh lý cần điều trị, khi có biểu hiện da khác lạ cha mẹ nên cho bé đến bác sĩ thăm khám, tư vấn bệnh và hướng dẫn chăm sóc da đúng cách cho bé yêu”. BS Ngọc Yến tư vấn thêm, sau sinh các bà mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều để nhanh hồi phục sức khỏe thể chất và hạn chế các vấn đề tâm lý có thể gặp phải sau sinh. Do đó, gia đình cần có ít nhất 2 người hỗ trợ để thay phiên nhau chăm sóc tốt nhất cho bé.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG