Châu Á: Phục hồi kinh tế chậm do làn sóng lây nhiễm mới

Bức tranh dịch bệnh u ám

Không như châu Âu hay châu Mỹ, tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện, một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Nepal đang đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh với mức độ lây nhiễm cao hơn các nước khác.

Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5, với đợt tấn công tổng lực vô cùng tàn khốc. Đến nay, dù số lây nhiễm được báo cáo hàng ngày đã giảm đáng kể so với mức cao nhất là hơn 414.000 ca COVID-19, quốc gia Nam Á này vẫn duy trì ở mức trung bình 50.000 trường hợp mỗi ngày.

Châu Á lo ngại đứt gãy chuỗi sản xuất vì dịch bệnh

Các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Nepal phải đối mặt với sự gia tăng mạnh số ca bệnh, những quốc gia khác như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, tình hình cũng không sáng sủa hơn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Ngân hàng HSBC Frederic Neumann nói: “Vẫn còn một số lượng rất lớn người mắc COVID-19 ở Đông Nam Á. Trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa rời xa Ấn Độ”. Đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể trước đó.

Theo các nhà phân tích từ công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, khả năng lây truyền của biến thể mới đang gây lo ngại bởi các quốc gia châu Á tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp và các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng không đồng đều ở các nơi. “Các quốc gia có dân số trẻ và khí hậu nhiệt đới có thể trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng hơn so với các đợt trước, thậm chí tỷ lệ người trẻ mắc bệnh nặng vẫn không thay đổi”, chuyên gia Eurasia Group dự đoán. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy, khiến hệ thống y tế quá tải ở các quốc gia mới.

Về vấn đề vắc xin, châu Á đang bỏ xa đáng kể so với Bắc Mỹ và châu Âu. Đến nay, chỉ có khoảng 23% người dân châu Á được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19, ở 2 châu lục còn lại, tỷ lệ đạt hơn 40%. HSBC cho rằng sự xuất hiện của vắc xin có thể làm dịu tình hình dịch bệnh nhưng với năng lực sản xuất và phân phối vắc xin trong thời gian tới, nhiều quốc gia châu Á sẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng ít nhất là đến đầu năm 2022.

Kinh tế châu Á tiếp tục chịu ảnh hưởng

HSBC dự đoán, hầu hết các quốc gia châu Á kinh tế sụt giảm, ngoại trừ Australia và New Zealand tăng trưởng 6,6% năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, dự báo đạt khoảng 4,6% vào năm 2022.

Theo ngân hàng đầu tư HSBC, kinh tế châu Á khó có khả năng phục hồi như kỳ vọng bởi nhìn vào quý 3 kinh tế khu vực vẫn có nguy cơ bởi với tình hình dịch bệnh cũng như vắc xin hiện nay, sự gián đoạn sản xuất rất có thể sẽ xảy ra. Trong khi châu Âu và Mỹ mở cửa trở lại thì châu Á vẫn áp dụng một số hạn chế, trong đó có cả việc đi lại trong nội địa hoặc giữa các quốc gia. Tín hiệu lạc quan nhất của nền kinh tế khu vực là, xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp sự gián đoạn của vận chuyển và tắc nghẽn chuỗi sản xuất đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn đó, báo cáo của kinh tế Việt Nam quý 2 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, tính chung GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỉ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỉ USD, tăng 36,1%. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo hồi tháng 4 rằng, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,7% vào năm 2021, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, nếu việc mua sắm vắc xin tiếp tục bị chậm lại, thì việc nối lại toàn bộ hoạt động kinh tế bao gồm cả du lịch sẽ mất nhiều thời gian hơn và cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế khu vực. Ở góc nhìn lạc quan hơn, có chuyên gia tin rằng khu vực này sẽ vẫn kết thúc năm 2021 tốt hơn so với châu Âu và Mỹ.

Trần Hải

(theo CNBC, Nikkei)