Cho vay lãi suất cao ngất ngưỡng nhưng các công ty tài chính vẫn thua lỗ

Lãi suất cao ngất ngưỡng

Hiện nay mức cho vay của các ngân hàng và công ty tài chính, như: VietCredit, Finance, Home Credit, Shinhan Finance Việt Nam… đang có sự chênh lệch rất lớn về lãi suất, đó là chưa kể đến các khoản phí... Trong đó, lãi suất của các công ty cho vay tài chính đang ở mức cao, điển hình như lãi vay tiền mặt tại Home Credit là từ trên 20%/năm.

Ví dụ với khoản tiền mà Home Credit đưa ra là 40 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng thì khách hang phải trả góp hàng tháng là 2.340.745 đồng. Như vậy, sau 24 tháng, số tiền người vay thực trả là 56.177.880 đồng (chênh lệch hơn 16 triệu đồng).

Home Credit có mức lãi suất phẳng 20.22%/năm và tối đa 33.94%/năm.

Theo Home Credit, kết quả uớc tính khoản vay dựa trên mức lãi suất phẳng 20.22%/năm và có thể sai lệch nhỏ so với thực tế. Lãi suất phẳng tối đa 33.94%/năm. Ví dụ, khách hàng vay 60 triệu đồng trong 12 tháng, với lãi suất phẳng 20.22%/năm, thì tổng số tiền cần thanh toán là: 71.973.348 đồng (đã bao gồm các loại phí, trừ phí bảo hiểm không bắt buộc, phí chuyển tiền và phí trả nợ trước thời hạn).

Tương tự, tại bảng tính vay tín chấp cá nhân của Shinhan Finance Việt Nam, nếu khách hang vay 50 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng thì mỗi tháng phải trả là 4.584.000 đồng, lãi suất minh họa tối thiểu là 18%/năm. Tuy nhiên, theo nhân viên của Shinhan Finance Việt Nam thì lãi suất còn phụ thuộc vào điều kiện và từng hồ sơ cụ thể, như vậy, lãi suất còn ở mức cao hơn nhiều, thường trên 20%.

Thậm chí, như Mirae Asset Finace Việt Nam quảng cáo, lãi vay theo lương từ 55%/năm lãi suất, hạn mức tối đa 100 triệu đồng, thời gian vay từ 6 đến 36 tháng.

Với mức lãi suất của các công ty cho vay tài chính như trên đang cao ngất ngưỡng so với các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng vừa công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 3/2024, điển hình như ân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho vay bình quân là 6,3%/năm, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân là 2,45%/năm. Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay bình quân là 6,49%/năm chênh lệch lãi suất cho vay bình quân huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.

Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn (Agribank) công bố lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ chỉ là 4%/năm, còn lãi suất ngắn hạn thông thường cho vay tối thiểu là 5%/năm, lãi cho vay trung - dài hạn tối thiểu là 6%/năm.

Như vậy so với mức lãi suất trên 20% của các công ty tài chính nêu trên đang là ngất ngưỡng, ngay cả đối với các ngân hàng nhỏ thì lãi suất cũng đang ở mức rất thấp so với các công ty tài chính. Điển hình như tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) lãi suất cho vay bình quân là 9,06%/năm chênh lệch với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân là 3,48%/năm. Hay Ngân hang TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank) có mức lãi suất bình quân cho vay là 9,93%/năm, chênh lệch lãi suất cho vay với lãi suất huy động là 4,41%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, lý do người vay phải chịu lãi suất cao ngất ngưỡng này là do khó tiếp cận được với các vốn vay tại các ngân hàng, vì vậy bắt buộc họ phải tìm đến các kênh tài chính khác, điển hình là các công ty tài chính, thậm chí là chấp nhận lãi suất cắt cổ ở thị trường chợ đen, cầm đồ.

Kinh doanh thua lỗ

Dù cho vay với lãi suất cao ngất ngưỡng, gấp đôi, gấp ba so với các ngân hàng nhưng các công ty tài chính như VietCredit, Home Credit, Shinhan Finance Việt Nam… đều báo lỗ.

Theo báo cáo của Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit), trong năm 2023, dư nợ cho vay khách hàng đạt 4.621 tỷ đồng, chỉ đạt 81% kế hoạch năm, dẫn tới lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 22 tỷ đồng, giảm tới 71% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 16,6 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của VietCredit ở mức cao, gần 15%, cao hơn cả mức kế hoạch năm (không quá 10%).

Hiện VietCredit có tổng tài sản ở mức gần 6.800 tỷ đồng, doanh thu năm 2023 chỉ đạt hơn 1.950 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 700 tỷ đồng. Hiện, VietCredit có mục thuế và các khoản phải nộp gần 5,5 tỷ đồng, nợ xấu trong năm 2023 là gần 894 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2022, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là gần 15%. Còn nợ khó đòi gần 44 tỷ đồng, tỷ lệ nợ khó đòi/tổng dư nợ là 0,72%.

Shinhan Finace Việt Nam bị lỗ sau thuế hơn 462 tỷ đồng, đây được xem là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi thương hiệu này có mặt tại Việt Nam từ năm 2019.

Tương tự, theo báo cáo tài chính, Công ty cổ phần Tài chính điện lực (EVN Finance) đạt thu nhập lãi thuần năm 2023 là gần 710 tỷ đồng, giảm gần 23% so với năm 2022. Tổng thu nhập hoạt động năm 2023 đạt 1.094 tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm trước. Về lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của EVN Finance ghi nhận 328 tỷ đồng, giảm gần 10,4% so với lợi nhuận 366 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2023 là 849 đồng/cổ phiếu.

Về Home Credit có vốn chủ sở hữu là 6.753 tỷ đồng, trong đó hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,79 phần trăm (tương đương gần 19.000 tỷ đồng), dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,16 lần, lợi nhuận sau thuế năm 2023 là trên trên 375 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2022 (đạt gần 1.200 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 0,06 lần, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt gần 9%...

Tương tự, Shinhan Finace Việt Nam bị lỗ sau thuế hơn 462 tỷ đồng, đây được xem là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi thương hiệu này có mặt tại Việt Nam từ năm 2019. Trước đó, năm 2022, Shinhan Finace Việt Nam có mức lãi trên 312 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của Shinhan Finance Việt Nam đạt gần 2.450 tỷ đồng, giảm trên 462 tỷ đồng so với đầu năm. Hiện, tổng tài sản của Shinhan Finace Việt Nam ước đạt trên 11.800 tỷ đồng, giảm 4,6% so với đầu năm.

Hay như Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Finace Việt Nam lỗ sau thuế gần 1.000 tỷ đồng, trong khi trước đó năm 2022 doanh nghiệp này lãi gần 130 tỷ đồng.

Thanh Tùng