Chủ tịch Alibaba: Các hãng công nghệ Trung Quốc đi sau Mỹ 2 năm trong phát triển AI

“Rõ ràng là Quốc có phần tụt hậu”, Joe Tsai (Thái Sùng Tín) nói, trích dẫn cách OpenAI (công ty khởi nghiệp Mỹ) đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ về đổi mới AI.

Chủ tịch nói điều này trong một cuộc phỏng vấn của Nicolai Tangen, Giám đốc điều hành Norges Bank Investment Management – chi nhánh của ngân hàng trung ương Na Uy chịu trách nhiệm quản lý quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.

Joe Tsai chỉ ra rằng các hãng công nghệ Trung Quốc “có thể chậm hơn 2 năm” so với những công ty AI hàng đầu Mỹ. Ông cho biết hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, chẳng hạn các bộ xử lý đồ họa (GPU) được săn đón từ Nvidia. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hãng công nghệ ở Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, theo Joe Tsai.

“Chúng tôi thực sự đã thông báo công khai rằng điều đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây và khả năng cung cấp dịch vụ điện toán cao cấp cho khách hàng của chúng tôi. Vì vậy, đây là một vấn đề trong ngắn hạn và có thể là trong trung hạn”, Chủ tịch Alibaba tuyên bố.

Alibaba vào tháng 11.2023 đã hủy bỏ việc tách Cloud Intelligence Group, khẳng định kế hoạch này “có thể không đạt được hiệu quả như mong đợi là gia tăng giá trị cho cổ đông” vì những bất ổn do các hạn chế xuất khẩu mở rộng của Mỹ với chip tiên tiến gây ra.

Theo Reuters, chính quyền Biden tuần trước đã cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng mà họ từng thực hiện vào tháng 10.2023, khiến Trung Quốc khó tiếp cận hơn với chip AI tiên tiến, thiết bị sản xuất chất bán dẫn và thậm chí cả laptop tích hợp những chip đó. Các quy định sửa đổi có hiệu lực từ ngày 4.4.

Đánh giá thẳng thắn mà Joe Tsai đưa ra trong cuộc phỏng vấn phản ánh mối lo ngại của ngành công nghệ Trung Quốc về việc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ đang làm giảm khả năng đổi mới AI trong nước. Điều đó khiến Trung Quốc kém cạnh tranh hơn trong lĩnh vực quan trọng này.

Joe Tsai nói rằng các hãng công nghệ Trung Quốc đang tiếp tục tìm cách giảm thiểu tác động của những hạn chế này, gồm tìm nguồn cung ứng chip lý tiên tiến từ các nhà cung cấp khác và tích trữ chip hiện có sẵn trên thị trường. Ví dụ, gã khổng lồ tìm kiếm internet Baidu năm ngoái đã đặt mua chip AI từ Huawei, theo trang SCMP.

Joe Tsai nhận định: “Tôi nghĩ trong năm tới hoặc 18 tháng tới, việc đào tạo về các mô hình ngôn ngữ lớn vẫn có thể được tiến hành, dựa trên lượng dữ liệu mà mọi người có sẵn”.

“Việc đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn đòi hỏi tính toán hiệu suất cao hơn, trái ngược với các ứng dụng mà nhiều người gọi là suy luận. Vì vậy, về mặt suy luận thì có nhiều lựa chọn. Bạn không cần phải có chip mạnh và cao cấp như phiên bản mới nhất của Nvidia”, Joe Tsai lý giải.

Mô hình ngôn ngữ lớn là một loại mô hình học máy được huấn luyện bằng dữ liệu khổng lồ để hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên, làm nền tảng cho các chatbot AI có khả năng phản hồi giống con người, chẳng hạn của OpenAI.

Ông dự đoán rằng trong dài hạn, Trung Quốc sẽ phát triển khả năng của riêng mình để tạo ra những GPU cao cấp này.

“AI là cần thiết. Có một mô hình ngôn ngữ lớn tốt được phát triển nội bộ là rất quan trọng vì giúp ích cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của chúng tôi”, Joe Tsai nói thêm.

Đảm nhận vị trí Chủ tịch của Alibaba vào tháng 9.2023, Joe Tsai nói tại một sự kiện hồi tháng 10.2023 rằng mục tiêu của Alibaba Cloud (nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây hàng đầu Trung Quốc) là biến AI thành một công cụ năng suất khổng lồ, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông cho biết 80% hãng công nghệ Trung Quốc và một nửa số công ty tham gia phát triển mô hình ngôn ngữ lớn đều chạy trên Alibaba Cloud.

Công nghệ điện toán đám mây cho phép các công ty phân phối qua internet nhiều loại phần mềm và tài nguyên kỹ thuật số khác dưới dạng dịch vụ theo yêu cầu, giống như điện lưới. Những tài nguyên này được lưu trữ và quản lý bên trong các trung tâm dữ liệu.

Joe Tsai (phải) nói chuyện với Nicolai Tangen trong một cuộc phỏng vấn - Ảnh: YouTube

'Trung Quốc không thể bắt kịp những tiến bộ của Mỹ về AI do gặp thách thức về lý thuyết và công nghệ'

Trung Quốc không thể bắt kịp Mỹ trong những tiến bộ về AI do "gặp phải nhiều thách thức về lý thuyết và công nghệ", theo một bản thuyết trình gần đây trước Thủ tướng Lý Cường.

Những khó khăn đó được trình bày trước Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường trong chuyến thị sát vào tháng trước của ông tới Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh (BAAI), tổ chức phi lợi nhuận tư nhân được thành lập vào năm 2018, tham gia nghiên cứu và phát triển AI, đài truyền hình trung ương CCTV đưa tin.

Theo bài thuyết trình tại BAAI, rào cản lớn mà các sáng kiến AI tạo sinh của Trung Quốc phải đối mặt là sự phụ thuộc quá mức vào Llama, mô hình ngôn ngữ được Meta Platforms (Mỹ) phát hành vào tháng 2.2023.

Có “sự thiếu tự chủ nghiêm trọng” trong lĩnh vực phát triển AI của Trung Quốc vì hầu hết mô hình ngôn ngữ lớn trong nước đều được xây dựng dựa trên Llama, theo bài thuyết trình. Meta Platforms (công ty mẹ Facebook) vào tháng 7.2023 đã cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở Llama 2 miễn phí cho nghiên cứu và sử dụng thương mại.

Nhược điểm về mô hình ngôn ngữ lớn làm gia tăng mối lo rằng Trung Quốc đang đối mặt với khoảng cách ngày càng mở rộng so với Mỹ về đổi mới AI, điều này đã được nhấn mạnh trong buổi thảo luận tại cuộc họp lưỡng hội đầu tháng 3 ở thủ đô Bắc Kinh.

Trong khi các cơ quan nhà nước đang hợp tác song song với các hãng công nghệ tư nhân Trung Quốc để đổi mới AI, họ vẫn phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng điện toán để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn.

“Hàng tá chip được phát triển trong nước khác nhau về dòng và hệ sinh thái, khiến quá trình đào tạo 100 tỉ tham số cho mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc trở nên rất không ổn định”, trích nội dung bài thuyết trình. Các lệnh trừng phạt công nghệ từ chính quyền Biden đã hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ Mỹ, cho các dự án phát triển AI trong nước.

Khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn một phần phụ thuộc vào số lượng tham số, thước đo mức độ phức tạp cho mô hình. Ví dụ, mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 của được đào tạo với 1.000 tỉ tham số. Trong khi hầu hết mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở của Trung Quốc trên thị trường chỉ có từ 6 tỉ đến 13 tỉ tham số.

Số lượng mô hình ngôn ngữ lớn được chính phủ Trung Quốc phê duyệt hiện có tổng cộng hơn 40. Song hiện có hơn 200 mô hình ngôn ngữ lớn ở Trung Quốc.

Theo bài thuyết trình tại BAAI, một vấn đề lớn khác liên quan đến việc kiểm soát nội dung do AI tạo ra. Cụ thể hơn, thách thức lớn mà mô hình ngôn ngữ lớn ở Trung Quốc phải đối mặt là tạo ra “nội dung chất lượng phù hợp với thực tế”, đồng thời cũng phải xem xét tư tưởng chính trị và các cảm xúc khác nhau.

Các chatbot AI, gồm cả ChatGPT và Gemini của Google, đôi khi trả lời sai nhưng y như thật, được gọi là ảo giác.

Dù CCTV không xác định tác giả bài thuyết trình BAAI, các slide được phát sóng có logo của công ty khởi nghiệp Zhipu AI. Đại diện của Zhipu AI hôm 14.3 xác nhận rằng công ty đã có mặt trong chuyến thị sát của Thủ tướng Trung Quốc tại BAAI một ngày trước đó.

Là một phần của hệ sinh thái hợp tác mà BAAI đang nuôi dưỡng, Zhipu AI cho biết đã xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn với quy mô 100 tỉ tham số. Công ty này đã huy động được tổng cộng 2,5 tỉ nhân dân tệ (347 triệu USD) trong vòng gọi vốn tính đến tháng 10.2023, khi đạt trạng thái kỳ lân với mức định giá hơn 1 tỉ USD. Các nhà đầu tư vào Zhipu AI gồm Tencent Holdings, Ant Group, Meituan, Xiaomi và Alibaba.

Trong cuộc họp bên lề hôm 5.3 của Ủy ban Chính Hiệp Toàn quốc (CPPCC) - cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc, Zeng Yi (đại biểu đứng đầu China Electronics Corporation) cho biết công ty của ông còn “một chặng đường dài” để bắt kịp Mỹ. China Electronics Corporation là công ty chip lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến.

“Nói một cách khách quan, bất chấp những nỗ lực to lớn mà chúng ta đã và đang thực hiện, sự khác biệt của chúng ta với Mỹ vẫn rất lớn”, Zeng Yi phát biểu trước đám đông đại diện của cộng đồng khoa học và công nghệ.

Zeng Yi lãnh đạo một công ty phát triển công nghệ an ninh thông tin và mạng quốc gia, nghiên cứu và thiết kế chip, thiết bị bán dẫn, quy trình sản xuất tiên tiến và hệ điều hành.

Sơn Vân