Chủ tịch SHB tiết lộ doanh nghiệp có số dư nợ lớn nhất tại ngân hàng

HĐQT của nhận định năm 2024, tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, nền kinh tế có những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, nhưng kinh tế Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo sẽ phục hồi nhờ những động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với mức thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản dự kiến sẽ tăng 11,2%, lên 701.000 tỷ đồng; trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%, đạt 518.555 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức 3%.

Tuy nhiên, một cổ đông cho rằng kế hoạch kinh doanh rất táo bạo và đề nghị Tổng giám đốc Ngô Thu Hà đánh giá thế nào về tính khả thi của mục tiêu năm nay và cho biết kết quả kinh doanh quý I thế nào?

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển trả lời hàng loạt vấn đề cổ đông quan tâm.

Trả lời, bà Hà cho biết ngân hàng đặt ra kế hoạch dựa trên cơ sở rõ ràng, trong đó có các sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng, hoặc chuỗi cung ứng giá trị cho khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng bán lẻ; phải giảm chi phí đầu vào; đầu tư hệ thống bảng cân đối tài sản đã có, làm sao các kỳ hạn có hiệu quả, gia tăng thêm hoạt động phi tín dụng như ngoại tê,… SHB cũng giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu đóng góp vào lợi nhuận 2024. Ngoài ra, ngân hàng còn có dự án chuyển đổi số để tăng khách hàng, giảm chi phí vốn. Để minh chứng cho tính khả thi kế hoạch 2024, đến tháng 3/2024, lợi nhuận đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Về vấn đề nợ xấu, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển lý giải vì sao đặt mục tiêu tỷ lệ 2,7% mà không phải là 2,5% là do "SHB luôn minh bạch, phản ánh đúng thực trạng hoạt động. Tôi muốn đưa con số khả thi chứ không muốn đánh bóng".

Ông Hiển cho biết nợ xấu tăng, không ai mong muốn, khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động đến doanh nghiệp và ảnh hưởng đến ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng cần đồng hành và chia sẻ.

“Chúng ta vẫn kiểm soát được và đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành cùng SHB vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững”, ông cho hay.

Chủ tịch SHB khẳng định, ngân hàng đang tập trung cao độ xử lý nợ xấu từ nay đến hết tháng 9, thu hồi khoản nợ xấu cần thiết, giảm nợ xấu của SHB. “Ngân hàng đặt mục tiêu nợ xấu là 2,7% nhưng ban lãnh đạo quyết tâm là dưới 2,5%”, ông Hiển khẳng định.

Đáng chú ý, tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về 10 đơn vị có số dư vay nợ cao nhất tại ngân hàng, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết Tân Long là tập đoàn XNK về nông sản, lương thực, chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, với doanh thu rất lớn. Họ là một hệ sinh thái quy mô lớn trải dài cả trong nước và quốc tế. Khách hàng lớn của SHB trải dài trong nhiều lĩnh vực.

Các khoản vay BĐS, dịch vụ lưu trú cũng là một trong những mảng SHB cấp tín dụng. Khi xem xét cho vay, SHB luôn dựa trên cơ sở phương án khả thi, quản lý được nguồn thu, có tài sản bảo đảm, kiểm soát sau vay đảm bảo an toàn cho SHB.

"Khách hàng có chuỗi cung ứng sạch thì chúng ta vào để tăng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu thời gian, chi phí cho khách hàng", ông Hiển nói.

Tại đại hội, Tổng giám đốc SHB cũng báo cáo với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.900 tỷ đồng. HĐQT SHB thực hiện phương án chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt và 11% còn lại bằng cổ phiếu.

Dự kiến sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 40.658 tỷ đồng.

Một cổ đông thắc mắc tại sao HĐQT lại phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức? Điều này có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu và lo ngại pha loãng cổ phiếu hay không? Một số công ty khi phát hành thêm cổ phiếu thì giá cổ phiếu thường giảm và điều này khiến cổ đông lo ngại.

Ông Hiển cho biết, "ngoài cổ tức bằng tiền mặt, chúng ta phải nâng cao sức khỏe, nó mang tính bền vững. Tăng vốn lên cũng góp phần và phục vụ vốn đấy, đầu tư kinh doanh, phát triển mạng lưới đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị cho ngân hàng. Giá trị cổ phiếu lại nâng lên. Cho nên phải song song và ưu tiên nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Đó là tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn".

Ngoài ra, một số nội dung như quá trình chuyển nhượng 50% công ty tài chính SHB FC; giải pháp để đưa giá cổ phiếu SHB từ 11.000 - 11.100 đồng/cp lên khoảng 12.000 - 15.000 đồng/cp, cổ đông gửi đến HĐQT cũng được ông Hiển giải đáp.

Theo đó, về việc SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% công ty tài chính SHB FC, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết giá trị chuyển nhượng cao so với top đầu và các thương vụ chuyển nhượng với nhà đầu tư nước ngoài. Về dự phòng rủi ro, đối tác nước ngoài vào thì phải xây dựng chỉ sổ đảm bảo an toàn theo chuẩn nên ông Hiển nói cổ đông cứ an tâm.

Về cổ phiếu, ông Hiển cho biết: Giá cổ phiếu thấp hay cao thì do nhà đầu tư lựa chọn. Khi đầu tư vào mã cổ phiếu thì phải nghiên cứu về các chỉ số tài chính, các tham số tài chính. Phải đánh giá cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đánh giá cả bản thân sức khỏe nội tại của doanh nghiệp. "Cổ đông ai cũng mong muốn giá trị cao nhưng cũng phải tự hào rằng SHB là một cổ phiếu có thanh khoản cao, luôn dẫn đầu thị trường. Với thanh khoản như vậy, nhà đầu tư sẽ tự đánh giá được, điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào SHB là rất lớn", ông Hiển nói.

Thanh Hoa