Lái xe công nghệ, anh là ai? (Bài 1)

Ngoài các hãng vận chuyển hành khách, hàng hóa, thực phẩm… chuyên nghiệp hoạt động trên nền tảng công nghệ như Grab, Gojek, Be… thì một loạt các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… cũng đã tổ chức vận chuyển, giao hàng trực tiếp đến tay khách đặt mua trực tuyến trên các ứng dụng của mình. Không thể phủ nhận những tiện ích do vận tải công nghệ mang đến cho người tiêu dùng và những đóng góp đối với xã hội, nhưng bên cạnh đó hoạt động của doanh nghiệp, đội ngũ tài xế xe công nghệ vẫn còn nhiều điều bất cập, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội…

Tài xế Grab chen chân chờ lấy hàng đi giao cho khách.

Vì cuộc mưu sinh, nhiều người từ khắp các vùng quê đổ về thành phố để làm tài xế xe công nghệ. Nhiều người đánh đổi cả sức khỏe, tính mạng… để kiếm miếng ăn và lo cho gia đình mà không biết sự hiểm nguy rình rập xảy ra bất cứ khi nào.

Long đong cuộc mưu sinh

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có thể gặp được Nguyễn Thành Luân (SN 1995, tạm trú phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) khi tranh thủ giờ phút ít ỏi sau một cuốc xe ôm công nghệ. Nói chuyện với chúng tôi nhưng mắt Luân cư dán vào màn hình điện thoại, thấp thỏm lo không “nổ” App kịp sẽ vuột mất cuốc xe đường dài. Luân kể, 3 năm trước anh rời quê ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa), chấp nhận xa người vợ trẻ cùng hai con thơ để vào TP Hồ Chí Minh tìm việc làm với niềm tin rằng cuộc sống sẽ bớt chật vật hơn.

Dự tính ban đầu của Luân là vào miền Nam sẽ xin đi làm công nhân để có thu nhập ổn định, sau đó sẽ đưa vợ, con vào ở cùng, nếu thuận lợi vợ chồng con cái sẽ bám trụ ở lại lập nghiệp trong này luôn. Đi gõ cửa mấy công ty trong khu chế xuất, khu công nghiệp ở Bình Dương rồi TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đều không thể tìm được việc làm phù hợp, Luân đành chấp nhận làm thời vụ cho xưởng sản xuất gỗ công nghiệp tại TP Dĩ An (Bình Dương). Làm được vài tháng, công ty hết đơn hàng, Luân phải nghỉ chờ.

Những ngày co ro một mình trong căn phòng trọ, Luân cảm thấy cuộc sống quá chênh vênh, nhớ vợ con quay quắt, buồn bã đến quặn lòng. Chút tiền trong túi dần cạn, không thể ngồi chờ việc được nữa, Luân quyết định sửa sang lại chiếc xe máy và nhờ người dẫn dắt đăng ký làm xe ôm công nghệ. Đến với nghề xe ôm công nghệ là sự lựa chọn cuối cùng, khi cơm áo gạo tiền và bao nhiêu nỗi lo khác chực chờ Luân ở quê nhà.

Bám trụ với nghề xe ôm công nghệ được gần 3 năm nay, hàng ngày Luân ra đường từ 5 giờ sáng, chạy đến 22h đêm mới trở về phòng trọ. Ngoài chạy Grabbike, Luân còn miệt mài nhận đơn hàng để ship đi khắp các con đường, ngõ phố của Sài Gòn. Làm việc không có ngày nghỉ, mỗi tháng Luân kiếm được từ 12-15 triệu đồng. Những ngày lễ, tết nếu chạy chăm chỉ cũng kiếm được thêm chút ít do công ty có chế độ thưởng thêm 5.000 đồng cho mỗi cuốc xe.

Nhớ lại những ngày mới vào nghề, Luân ngậm ngùi chia sẻ, nhận hàng đi giao mà toàn lạc đường, có hôm lạc đến hơn một tiếng đồng hồ. Tiền xăng xe tốn kém đã đành, khi tới nơi thì đồ ăn đã nguội ngắt, khách bực dọc khó chịu, họ quăng cho shipper những lời nói đầy thương tổn. Cùng với bị “ăn chửi” là hàng bị “bom”, thế là đành lủi thủi mang ra một góc nào đó ngồi ăn cho bằng hết. Bị trả lại hàng do lỗi của shipper đã đành, vấn nạn “bom hàng” hầu như xảy ra thường xuyên.

Luân cười buồn: “Nhiều khi muốn từ bỏ vì quá áp lực, nhưng miếng cơm manh áo nó kéo mình về thực tại, không làm thì lấy gì nuôi con”. Và cứ thế, những vòng xe của Nguyễn Thành Luân vẫn quay đều trên mỗi cung đường của thành phố hoa lệ, giữa dòng người đông đúc trên phố thị.

Luân nói rằng, phải cố gắng chạy hết đơn hàng, không dám bỏ một cuốc nào để cuối ngày đạt số điểm tích lũy cao, được khách hàng đánh giá 5 sao và được nhận chút ít tiền thưởng. Hỏi Luân nghề này có vất vả so với sức của mình không, Luân cười, bỏ tấm khăn bịt mặt ra, chỉ lên những vệt nám đen chạy dài hai bên má và mang tai, giọng chùng xuống: “Mấy năm làm nghề xe ôm công nghệ, da mặt của em từ trắng chuyển sang nâu, từ nâu chuyển thành thâm đen do phải dãi nắng suốt ngày”. Không chỉ có làn da “xe ôm” mà Luân còn bị bỏng da vùng tay, thỉnh thoảng bị viêm da, dị ứng ánh nắng phải dùng thuốc.

Câu chuyện của chúng tôi với tài xế Nguyễn Thành Luân đứt gãy giữa chừng vì anh đã kịp nhận một cuốc xe ôm chở khách từ khu vực quận 1 ra sân bay Tân Sơn Nhất. Luân nói với chúng tôi, hôm nay dự định phải sau 12h đêm anh mới trở về nhà, 4h sáng lại ra đường, có lẽ phải khi nào… ốm liệt giường mới rảnh rỗi được.

Thấp thỏm lo mất việc

Cũng giống cuộc hẹn với Luân, để gặp được Grabbike Cao Minh Tuấn (SN 1975) chúng tôi phải chờ anh đến 9h tối. Tuấn may mắn hơn nhiều tài xế xe ôm công nghệ khác vì còn có căn nhà rộng chừng 14m2 tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Dù nhà chỉ có diện tích rất nhỏ, nhưng đây là nơi cư ngụ của cả gia đình Tuấn suốt mấy chục năm nay. Vốn làm thợ sửa xe máy, từ ngày cha đổ bệnh, Tuấn phải nghỉ và chuyển sang làm xe ôm công nghệ. Công việc này anh đã gắn bó được gần 5 năm. “Nó vất vả hơn nghề sửa xe nhưng thu nhập cao. Hơn nữa, tôi tranh thủ được thời gian ở bên cạnh cha. Chạy được vài tiếng, tôi lại tắt App về nhà chăm sóc cho ông”, Tuấn chia sẻ.

Để dung hòa được giữa việc kiếm tiền và chăm sóc gia đình, Tuấn đã phải chạy như con thoi. Vợ anh làm công nhân may, đi làm cả ngày nên mọi việc trong nhà đều một tay anh cáng đáng, lo liệu. Sáng anh dậy lúc 3h, tranh thủ ra đường làm khoảng 3 tiếng, 6h anh lo chạy về nhà chở con trai đi học rồi tiếp tục ròng rã trên đường đến 1h chiều mới về nhà ăn cơm trưa và chăm sóc cha. Xong việc, anh lại phải xách xe ra đường. Chạy xe ôm công nghệ nhiều năm, tai nạn nghề nghiệp như bị từ chối cuốc xe hoặc gặp khách “biến thái” sờ mó lung tung, Tuấn đều trải qua.

Tuy nhiên, điều làm anh hụt hẫng và buồn bã nhất chính là hay bị “quỵt” tiền. Tuấn cho hay, dạo gần đây khách hàng đặt xe qua App thường thanh toán bằng chuyển khoản. Khi kết thúc hành trình, họ lấy lí do nọ kia rồi không chịu trả tiền, nếu đòi căng quá thì họ quay sang chửi bới, dọa nạt. “Từ ngày làm nghề xe ôm công nghệ, gia đình tôi hiếm khi mới được ngồi ăn cơm chung. Chuyện cùng nhau đi chơi hay du lịch đâu đó cũng vẫn chỉ là mong ước”, Tuấn nói sau tiếng thở dài.

Bị mất việc, anh H tìm đến với nghề tài xế xe ôm công nghệ. Ngày đi đăng ký, anh phải nộp 1 triệu tiền ký quỹ. Sau khi kiểm tra giấy tờ hợp lệ, anh được phát đồng phục và mở App để chạy luôn mà không cần phải trải qua công đoạn tập huấn hay học hỏi gì thêm. Để trụ được với nghề trong thời gian đầu, anh H phải chạy 12-14 tiếng mỗi ngày, mỗi lần trả khách, anh không quên “xin” đánh cho mình 5 sao trên phần đánh giá tài xế. Khi đã leo lên được cấp độ 1, anh H được bật chế độ thưởng. Trong vòng một tuần, tài xế nào chạy được 100 điểm sẽ được thưởng 110 nghìn đồng.

Tuy nhiên, để nhận những đồng tiền thưởng này của công ty, tài xế phải là những “con trâu” sắt “cày cuốc” đêm ngày mới có thể đạt được. Bởi theo cách tính của hãng, một cuốc xe không kể dài ngắn sẽ được 1 điểm, chạy vào khung giờ cao điểm từ 6-9h sáng được 2 điểm. Để đạt mức 2 là 190 điểm, nhận thưởng 280 nghìn và mức 3 là 280 điểm cho 800 nghìn tiền thưởng, tài xế phải chạy nhiều hơn. Vất vả là vậy, nhưng có nhiều tuần H không thể đạt nổi mức 1 vì những lý do như trời mưa, ế khách hoặc gặp trúng một vị khách khó tính. Chỉ cần bị khách đánh cho 1 sao thì bao công sức trôi hết, đồng nghĩa với việc sẽ bị đưa vào “tầm ngắm” và có nguy cơ khóa App bất cứ lúc nào.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng với nghề tài xế xe ôm công nghệ, công việc không chỉ để mưu sinh mà họ còn phải gồng mình lên để cạnh tranh chỗ đứng và luôn trong trạng thái hồi hộp, thấp thỏm một ngày nào đó gây ra lỗi lầm gì sẽ bị thất nghiệp. Vậy nên, dù có mệt mỏi, đôi khi đuối sức nhưng hễ khoác lên mình chiếc áo xe ôm công nghệ, mang theo hình ảnh của công ty thì cánh tài xế phải tự biết ý thức. Tài xế V.M.T (SN 1993, quê Long An, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho hay, dù công ty chưa cho đi tập huấn về cách giao tiếp một ngày nào thì tài xế phải tự nhận thức được việc làm của mình để tồn tại được với nghề. Chỉ cần khách phản hồi về tổng đài đến lần thứ 3 trong tháng về thái độ hoặc những sai phạm của mình, tài xế bị cắt hợp đồng vĩnh viễn, bị khóa tài khoản ngay lập tức.

Nói về quy trình tuyển vào nghề, theo tài xế V.M.T, để trở thành tài xế xe ôm công nghệ hay shiper rất đơn giản. Cứ có đủ sức khỏe là có thể làm, miễn là chỉ cần chuẩn bị đủ bộ hồ sơ, gồm đăng ký xe máy, giấy tờ xe liên quan trong trường hợp cần kiểm tra xe, giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, lý lịch tư pháp, bảo hiểm tai nạn bắt buộc theo xe và tài khoản ngân hàng chính chủ. Sau khi nộp hồ sơ, nhân viên của hãng sẽ kiểm tra tính hợp lệ, tài xế nộp tiền ký quỹ và sẽ được phát đồng phục, hướng dẫn tải App về máy điện thoại là đã có thể ra đường để chạy.

Bảo Sơn - Ngọc Thiện