Chứng khoán Agribank còn 'dính' đến Vinashin trên báo cáo tài chính như thế nào?

Theo Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành, công ty mẹ và 7 doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin, SBIC) sẽ phá sản từ quý 1/2024.

Chính phủ lưu ý Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan hạn chế tối đa dùng ngân sách, thu hồi tối đa vốn, tài sản Nhà nước và giảm thiểu tổn thất cho ngành đóng tàu, sửa chữa tàu.

Vinashin được thành lập và hoạt động từ 1/1/2014 với vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, sau quá trình cơ cấu, xóa mô hình tập đoàn tại Vinashin do loạt sai phạm, thua lỗ. Đến cuối 2021, SBIC lỗ gần 3.800 tỷ đồng, không gồm lỗ lũy kế.

Theo công bố của Vinashin, tính đến đầu năm 2010, tổng số nợ của công ty tại các tổ chức tín dụng trong nước, bao gồm cả NHTM và công ty tài chính lên đến hơn 26.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng từng liêu xiêu vì nợ xấu và trích lập dự phòng tăng vọt do liên quan đến khoản vay của Vinashin.

Tuy nhiên đến nay trên báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng hầu như đã "sạch" khoản nợ này.

Chỉ riêng CTCP Chứng khoán (Agriseco, AGR), tại ngày 30/9/2023, công ty chứng khoán này ghi nhận các khoản phải thu hơn 1.157 tỷ đồng, xấp xỉ đầu kỳ. Đặc biệt, Agriseco đã phải trích dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu này gần hết với 1.101 tỷ đồng.

Trong đó đáng lưu ý là các khoản phải thu đối với đầu tư đáo hạn chiếm 599 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư các trái phiếu của Vinashin đã đáo hạn, được đánh giá là không có khả năng thu hồi và đã được trích lập dự phòng 100%.

Khoản phải thu 599 tỷ trên BCTC Agriseco là trái phiếu của Vinashin

Trong khi đó, tính đến ngày 30/9, quy mô tài sản của Agriseco gần 3.211 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với đầu năm.

Trong đó, giá trị tài sản FVTPL và đầu tư nắm giữ HTM ở mức 15 tỷ đồng và 1.332 tỷ đồng, tăng lần lượt 66% và 3%.

Đáng chú ý, giá trị tài chính sẵn sàng để bán (AFS) gấp 4 lần đầu năm, ghi nhận 313 tỷ đồng. Dư nợ cho vay cuối quý 3 ở mức 1.120 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Ngoài ra, còn một ngân hàng vẫn lưu ý các chính sách kế toán được áp dụng trên báo cáo tài chính đến nay là Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của , từ năm 2015, ngân hàng đã áp dụng các kiến nghị trong Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng và NHNN phê duyệt trong đó có việc thực hiện các biện pháp xử lý nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại tại ngày 30/9/2015 đối với nhóm khách hàng Vinashin, Vinalines, nhóm khách hàng liên quan đến cổ đông cũ của Ngân hàng TMCP Phương Tây (đã hợp nhất) và nhóm khách hàng trước đây chưa được xác định kỳ hạn trả nợ hợp lý.

Theo đó, riêng với nhóm khách hàng Vinashin, Vinalines, bán nguyên trạng một số khoản nợ cho VAMC, không thực hiện trích lập dự phòng bổ sung, đồng thời thoái lãi dự thu trong 10 năm theo khả năng tài chính của ngân hàng.

Minh An