Chuối Vân Nam thêm ngọt nhờ đầu tư công nghệ

Chăm sóc chuối theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ).

Được thành lập từ năm 2016 với 254 thành viên, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam tập trung chuyên canh chuối trên tổng diện tích khoảng 100ha vùng đất bãi ven sông Hồng. Từ đó đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam thường xuyên được ngành Nông nghiệp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng chia sẻ, chuối là cây dễ trồng, phù hợp với khả năng tài chính cũng như trình độ sản xuất của nông dân, nên có nhiều thuận lợi để mở rộng sản xuất. Để nâng cao giá trị kinh tế cho cây chuối, hợp tác xã chủ yếu trồng giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô không biến đổi gen của Viện Nghiên cứu rau quả trung ương. Khi chuối chuẩn bị ra hoa, hợp tác xã dùng phân chuồng ủ mục bón gốc cây để bổ sung dinh dưỡng, giúp quả to, đều. Khi buồng chuối được 20 ngày, xã viên dùng ni lông bọc buồng để che sương, tránh gió làm thâm quả và hạn chế côn trùng châm, đốt quả.

Không chỉ đầu tư quy trình sản xuất an toàn, hợp tác xã còn ứng dụng công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch để sản phẩm đạt chuẩn. Nhận thấy trong điều kiện bảo quản thông thường, chuối có thể bị nhiễm các loại vi trùng, nấm mốc, làm khô héo, sẫm màu, thối cuống và hỏng quả, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống kho lạnh, có thể bảo quản được 5 tấn chuối trong thời gian dài hơn, giúp các thành viên yên tâm gia tăng sản xuất, đưa ra thị trường chuối ngon ngọt, đẹp mã. Sau khi thu hoạch, chuối được đưa vào khu rấm chuối. Chuối được rấm bằng máy để chín đều hơn và quả đạt chuẩn độ ngọt. Đồng thời, hệ thống máy sấy và máy hút chân không cũng được hợp tác xã đầu tư để phục vụ quy trình đóng gói và bảo quản sản phẩm. Xã viên Trần Thị Hải cho biết, ba điểm cốt lõi làm nên thương hiệu chuối Vân Nam là đất sạch, giống sạch, rấm sạch.

Từ chỗ tổ chức sản xuất tốt, đầu tư công nghệ sau bảo quản, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ chuối sạch. Với sản lượng thu hoạch đạt khoảng 4.500 tấn/năm, để tránh tình trạng dư thừa, bị ép giá, các cửa hàng bán lẻ và hệ thống phân phối bán buôn được thiết lập. Nhóm khách hàng chính của là các trường học, hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch… Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, đầu tư máy móc để chế biến chuối sấy dẻo, chuối sấy lạnh..., nhằm nâng cao giá trị, hướng đến mục tiêu sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho rằng, Phúc Thọ là huyện thuần nông, vành đai xanh của Thủ đô. Vì vậy, phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là giải pháp quan trọng. Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam là cơ sở đầu tiên áp dụng hệ thống máy móc hiện đại trong trồng chuối sạch trên địa bàn xã, tạo nguồn thu ổn định và sản phẩm đạt chuẩn chất lượng. Sản phẩm chuối Vân Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, mở ra một hướng đi mới để nhân rộng cây chuối thành cây ăn quả chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đánh giá, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp với địa phương đã hỗ trợ hợp tác xã đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu chuối Vân Nam gắn với đặc sản địa phương. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, “sản xuất tốt, bảo quản tốt, xây dựng thương hiệu tốt, kết nối thị trường tốt”, vùng chuối Vân Nam sẽ ngày càng thêm "ngọt".