Chuyển đổi IFRS, doanh nghiệp không nên 'nước đến chân mới nhảy'

Ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và tư vấn kế toán, PwC Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO về vấn đề này.

* PV: Qua tiếp xúc trực tiếp của PwC với các doanh nghiệp, thái độ của các doanh nghiệp đón nhận IFRS ra sao?

- Ông Trần Hồng Kiên: Nhìn chung, các doanh nghiệp có suy nghĩ tích cực và ủng hộ việc chuyển đổi áp dụng IFRS, vì đây là một xu hướng tất yếu của các nền kinh tế, nhằm đảo bảo sự minh bạch hóa thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc nhận thức, mà chưa chuyển thành hành động cụ thể bằng các bước đi chiến lược để đạt được lợi ích tốt nhất từ việc chuyển đổi.

* PV: Trong các nhóm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nào tỏ ra đón nhận IFRS tích cực nhất, thưa ông?

- Ông Trần Hồng Kiên: Khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quen thuộc với IFRS khi chuẩn bị báo cáo tập đoàn mẹ, do đó họ rất kỳ vọng việc áp dụng tự nguyện sớm IFRS theo lộ trình của Bộ Tài chính. Việc áp dụng sớm sẽ giúp họ tiết giảm chi phí tuân thủ khi không cần phải chuẩn bị hai bộ báo cáo khác biệt cho Việt Nam và cho tập đoàn mẹ.

Với khối các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp lớn đã có các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hay những doanh nghiệp đang trong quá trình tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng có thái độ tích cực chủ động thực hiện việc chuyển đổi. Với những doanh nghiệp này, việc chuyển đổi gắn liền với quá trình thay đổi chiến lược trong cơ cấu vốn.

Các doanh nghiệp còn lại thì mới chỉ dừng ở việc nắm bắt được lộ trình chuyển đổi của Bộ Tài chính mà chưa bắt đầu quá trình nghiên cứu triển khai. Lý do các doanh nghiệp này đưa ra là coi việc áp dụng IFRS chỉ là một quá trình tuân thủ, thay vì coi đây là một cơ hội để thay đổi nhận thức về việc minh bạch thông tin tài chính, hoàn thiện quy trình quản trị và nâng cao giá trị doanh nghiệp đối với các cổ đông và các nhà đầu tư.

* PV: Tuy nhiên, thực tế là việc áp dụng IFRS sẽ khiến cho các doanh nghiệp phải phơi bày thông tin về bản thân nhiều hơn trên báo cáo tài chính. Liệu điều này có là một mâu thuẫn trong động lực chuyển đổi sang IFRS không?

- Ông Trần Hồng Kiên: Yêu cầu đặt ra đối với hệ thống tài chính doanh nghiệp là tăng cường tính công khai minh bạch, việc này liên quan đến lợi ích của nhiều bên liên quan. Đối với cơ quan quản lý, việc công khai nhiều hơn thông tin sẽ giúp các nhà quản lý nắm bắt được rõ nét hơn tình hình tài chính của doanh nghiệp, qua đó đảm bảo việc quản lý nhà nước tốt hơn.

Các chủ nợ, ngân hàng… cho vay vốn cũng đều rất cần các thông tin càng rõ ràng về doanh nghiệp càng tốt để đảm bảo việc quản trị đồng vốn cho vay của họ có hiệu quả. Ngoài ra với các công ty đại chúng, cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng khi đầu tư vào doanh nghiệp cũng rất có nhu cầu phải nắm bắt được tối đa thông tin tài chính về doanh nghiệp.

Theo đó, mục đích IFRS hướng tới là gắn với lợi ích chính đáng của những đối tượng muốn minh bạch thông tin như trên.

Còn về phía doanh nghiệp, chúng ta cũng phải hiểu rõ “doanh nghiệp” ở đây cụ thể là ai? Những người chủ doanh nghiệp (do hội đồng quản trị đại diện) khác với ban giám đốc và bộ phận kế toán của doanh nghiệp đó. Vấn đề ở đây là ở một số doanh nghiệp chưa phân định rõ ràng vai trò quản trị và vai trò điều hành trong doanh nghiệp.

Việc lập báo cáo tài chính là công việc của ban điều hành và tâm lý ngại công khai (nếu có) chủ yếu gắn với các băn khoăn và lo ngại từ bộ phận điều hành, chứ ít khi từ “doanh nghiệp” với chủ thể chính là cổ đông được đại diện bởi hội đồng quản trị. Doanh nghiệp và cổ đông, nếu có lo ngại thì chủ yếu từ việc các chi phí sẽ cần bỏ ra có tương xứng với các lợi ích do việc chuyển đổi mang lại hay không.

* PV: Vậy lợi ích của doanh nghiệp và ban điều hành doanh nghiệp khi doanh nghiệp chuyển đổi áp dụng IFRS là gì?

- Ông Trần Hồng Kiên: Chuyển đổi sang IFRS không nên được nhìn nhận như là một quá trình tuân thủ chuẩn mực kế toán đơn thuần, mà là một cơ hội giúp doanh nghiệp thay đổi về quy trình quản trị, phân tích hiệu quả hoạt động hiện tại, và tiếp cận các thông lệ tốt nhất. Việc chuyển đổi có thể chưa tạo ra một bức tranh tài chính tích cực hơn trong ngắn hạn, nhưng việc tiến hành các bước chuyển đổi sớm sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian dài hơn để khắc phục các điểm yếu và tập trung hơn vào việc làm rõ các điểm mạnh.

Thứ hai, doanh nghiệp có bước đi chuyển đổi sớm có thể thu hút được nhân sự chất lượng cao và có chuyên môn về IFRS, vì các chuyên gia trong lĩnh vực này ở Việt Nam hiện chưa nhiều. Do đó, việc thu hút được lực lượng nhân sự có trình độ và chuyên môn cao là một lợi thế không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tái kiện toàn hệ thống kế toán và báo cáo, đồng thời tạo ra năng lực cạnh tranh nội tại với các đối thủ cùng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có công tác chuẩn bị sớm cho việc áp dụng IFRS cũng sẽ dễ chủ động phân bổ nguồn lực phù hợp, thay vì “nước đến chân mới nhảy” thì chi phí về sau sẽ cao do doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng bị động, dồn chi phí vào một thời điểm và không có nhiều thời gian để nghiên cứu đầu tư sao cho hợp lý, có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, việc áp dụng sớm IFRS sẽ luôn là lợi thế giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, doanh nghiệp có hồ sơ tốt sẽ nâng cao giá trị về mặt hình ảnh trên thị trường.

Trong lý thuyết quản trị doanh nghiệp tốt, ban điều hành sẽ luôn hành động theo hướng vì lợi ích của doanh nghiệp, trong đó có việc đảm bảo thông tin minh bạch nhất về tình hình tài chính và tình hình kinh doanh cho các cổ đông hiện hữu và tương lai. Trong một doanh nghiệp có mô hình quản trị hiệu quả thì ban điều hành nếu không có hành động hướng tới lợi ích dài hạn của doanh nghiệp rất có thể sẽ bị thay thế bằng ban điều hành khác theo quyết định của hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông./.

Theo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo cáo tài chính của Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành, việc áp dụng IFRS chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, áp dụng tự nguyện (2022 đến 2025), các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính.

Giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025), trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng cụ thể.

Giữa năm 2021, Bộ Tài chính cũng đã công bố bản dịch chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ra tiếng Việt, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện lộ trình áp dụng IFRS.

Chí Tín