Chuyên gia dự báo nhà đất phía Nam sẽ phục hồi hình chữ V

Chia sẻ tại diễn đàn Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam – Xu hướng đầu tư do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây (25-4) Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng dòng tiền sẽ cải thiện dần dần từ quý III-2024.

Cơ sở để đưa ra dự báo trên, TS căn cứ vào những yếu tố tích cực như xuất khẩu từng bước phục hồi, tạo việc làm và tiêu dùng sẽ cải thiện hơn. Đầu tư công và nguồn cung tiền của Chính Phủ cải thiện tạo nên dòng tiền mới.

Bên cạnh đó, niềm tin tiêu dùng dần dần phục hồi, giúp thương mại dịch vụ tăng. Khi tiêu dùng nội địa, niềm tin phục hồi cũng tạo cơ hội cho dòng tiền xoay chuyển chảy vào nhà đất.

Dòng tiền sẽ bắt đầu chảy vào nhà đất từ quý III

Theo TS Đinh Thế Hiển, kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện dần từ quý III-2024 từ tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đối đầu với khó khăn về nguồn vốn. Năm 2023, những nguồn cung tiền quan trọng cho lĩnh vực bất động sản đều suy giảm. Sang năm 2024 có sự tăng nhẹ và phục hồi.

“Quan trọng là dòng tiền nhà đầu tư cá nhân và bất động sản sẽ bắt đầu giải ngân ra từ quý III, quý IV và chiều hướng sẽ tốt lên từ quý III. Còn dòng tiền cho các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn khó khăn” - TS. Đinh Thế Hiển dự báo.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định thị trường nhà đất phục vụ nhu cầu ở thực sẽ phục hồi từ quý III-2024, tập trung khu vực TP.HCM và các địa phương lân cận. Ảnh: LONG KHANG

Nhà đầu tư cá nhân thực tế vẫn còn chùn tay khi xuống tiền vào nhà đất, chưa có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường nên mua bán nhà đất vẫn ít giao dịch. Trong khi đó, nhà đầu tư nhà đất lướt sóng không dám xuống tiền, còn nhà đầu tư nhà đất trung hạn vẫn còn quan sát.

TS Hiển cho rằng điểm sáng trong năm 2024 như bất động sản Hà Nội chỉ phục hồi cục bộ, xuất phát từ nhà đầu tư trung hạn giải ngân chưa nhiều và không có sự xoay vòng.

Các công ty bất động sản niêm yết tiếp tục thua lỗ trong quý I-2024. Điều này cho thấy kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự chọn lọc, phục hồi là có. Các quỹ đầu tư tầm nhìn trung hạn bắt đầu đặt cửa vào các công ty bất động sản.

Nhà đất ở khu vực động lực kinh tế phía Nam hướng biển vẫn có cơ hội được nhà đầu tư quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2024. Ảnh: QH

Dự báo xu thế đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường về nhà đất có nhu cầu sử dụng và khai thác doanh thu sẽ phục hồi từ quý III-2024, tập trung khu vực TP.HCM và các địa phương lân cận.

Nhà đất khu vực động lực kinh tế phía Nam hướng biển vẫn có cơ hội được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2024.

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng như đường vành đai 3 TP.HCM (2023 – 2024), đường vành đai 4 TP.HCM (2024-2025) sẽ tạo động lực cho hoạt động mua bán nhà đất trở lại, trọng tâm ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ba giải pháp khơi nguồn cung lẫn dòng tiền nhà đất

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng sau nhiều năm bùng nổ phân khúc cao cấp, nhà ở bình dân dần biến mất khỏi thị trường, việc làm, thu nhập suy giảm là "bi kịch" của thị trường bất động sản.

Để khơi thông nguồn cung bất động sản nhà ở, theo ông Thiên thứ nhất là vấn đề về lạm phát phải thay đổi, tăng trưởng cao mà lạm phát thấp là có vấn đề. Thông thường tăng trưởng cao thì lạm phát phải cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nội địa thiếu vốn.

TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, khơi thông dòng chảy đầu tư. Ảnh: LONG KHANG

Theo TS Thiên, chủ trương hạ lãi suất có lẽ vẫn hơi ít, hơi muộn và đã có những doanh nghiệp không thể chờ được nguồn vốn đó mà rời khỏi thị trường. Cần 3 kim chỉ nam cho các giải pháp này là: “Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền) - Thông thoáng (cơ chế chính sách) - Thông minh (bộ máy thực thi)”.

Giải pháp thứ hai, thời gian qua đã đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, chính sách về thị trường trái phiếu đã phần nào được tháo gỡ. Song thực tế thì thị trường cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn nhiều tồn tại, do đó cần nỗ lực cấu trúc lại.

Dự báo cuối quý II, đầu quý III-2024, dòng tiền của nhà đầu tư mới "chảy vào" nhà đất nhiều hơn. Ảnh: QH

Thứ ba, cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án bất động sản, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp. Theo ông Thiên, cần cách tiếp cận khác cho nhà ở xã hội, xác định rõ vai trò của nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp - người dân.

QUANG HUY