Chuyên gia Mỹ giải thích tác dụng của vaccine Covid-19 với trẻ em

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ hôm 29/10 đã phê duyệt tiêm vaccine Pfizer ngừa Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi, mở đường cho 28 triệu trẻ em nước này sớm được chủng ngừa.

Vào ngày 2/11, các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đưa ra khuyến cáo chi tiết hơn về việc những trẻ nào cần tiêm chủng. Quyết định cuối cùng của giám đốc CDC dự kiến được đưa ra ngay sau đó.

Trong khi nhiều bậc phụ huynh Mỹ mong chờ cơ hội đưa con đi tiêm vaccine ngừa Covid-19, một số khác lại tỏ ra chần chừ, theo New York Times.

Các vấn đề xung quanh tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine Covid-19 vẫn là mối quan tâm của nhiều người, khiến họ đắn đo trong việc đưa con em đi tiêm, đặc biệt là khi nguy cơ trẻ em mắc các triệu chứng nặng của Covid-19 thấp hơn so với người lớn.

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mắc triệu chứng nặng hoặc tử vong vì Covid-19 thấp không có nghĩa là các em không có nguy cơ hoặc an toàn trước Covid-19.

Tại Mỹ, hơn 6 triệu trẻ em đã bị nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có hơn 23.500 trẻ phải nhập viện vì Covid-19. Hơn 600 trẻ em từ 18 tuổi trở xuống đã chết vì căn bệnh, theo CDC Mỹ.

Một cậu bé được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech tại Bloomfield Hills, Michigan, ngày 13/5. Ảnh: AFP.

Điều đó phần lớn là do virus đã lây lan rất rộng rãi ở Mỹ. Tỷ lệ tiêm vaccine ở người trưởng thành Mỹ thấp hơn kỳ vọng của chính phủ, kết hợp với sự lây lan nhanh và dễ dàng của biến chủng Delta, cũng như việc nới lỏng các biện pháp phòng tránh tối thiểu như đeo khẩu trang ở nhiều nơi trên đất nước, đã gây ra số lượng ca mắc lớn.

Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng đại dịch có thể không kết thúc nếu không có chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em.

“Tiêm phòng cho trẻ em sẽ giúp làm chậm sự lây lan bệnh cho những người chưa được tiêm chủng và cho những người lớn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, từ đó có thể giảm thiểu tác hại chung của dịch bệnh đối với mọi người”, tiến sĩ Lee Savio Beers, Chủ tịch của Học viện Nhi khoa Mỹ, viết trên New York Times.

Nguy cơ về tác dụng phụ

“Các bậc phụ huynh nên yên tâm rằng khi chính phủ đã cho phép sử dụng vaccine với trẻ em, điều đó có nghĩa là vaccine đó đã được chứng minh là hiệu quả và rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ”, tiến sĩ Beers viết.

Tại Mỹ, câu hỏi về tác dụng phụ của vaccine thường thấy nhất là về nguy cơ bị viêm cơ tim sau khi tiêm.

“Viêm cơ tim là tình trạng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Tình trạng này rất hiếm khi xảy ra ở trẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19 mRNA (như vaccine do Moderna và Pfizer sản xuất), mà thường phổ biến hơn sau khi tiêm mũi thứ hai ở đàn ông trẻ tuổi”, theo tiến sĩ.

Học sinh lớp một đeo khẩu trang, xếp hàng để trở lại lớp sau giờ giải lao tại một trường tiểu học ở Dallas, ngày 26/10. Ảnh: Dallas News.

Tiến sĩ Beers cho biết bà đã đồng ý cho con trai ở độ tuổi thiếu niên của mình chủng ngừa. Bà nêu ra 2 yếu tố quan trong khi đưa ra quyết định này.

“Thứ nhất, nguy cơ phát triển viêm cơ tim sau khi mắc Covid-19 cao hơn nhiều so với sau khi tiêm vaccine. Thứ hai, hầu hết trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine đều nhẹ, và mọi người thường nhanh chóng khỏi bệnh”.

Việc mở rộng tiêm vaccine cũng sẽ mang lại sự yên tâm cho nhiều gia đình khi cho con em đến trường và tham gia các hoạt động ngoại khóa, cũng như các hoạt động xã hội khác.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các biện pháp bảo vệ - bao gồm cải thiện hệ thống thông gió và đeo khẩu trang - đã ngăn chặn hoặc làm chậm khả năng lây lan của virus trong những trường học thực thi các biện pháp này một cách nhất quán.

Dù đây tiếp tục là những biện pháp phòng ngừa quan trọng để giúp giữ an toàn cho trẻ, tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất. Vì vậy, trẻ em càng sớm được tiêm phòng càng tốt, tiến sĩ khẳng định.

Sức khỏe tâm thần của trẻ em

Đại dịch cũng đã làm sâu sắc thêm một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của trẻ em. Hơn 140.000 trẻ em Mỹ đã mất người chăm sóc vì Covid-19. Các bác sĩ nhi khoa trên khắp nước Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng của bệnh nhi mắc chứng rối loạn ăn uống, trầm cảm và có ý định tự tử.

Đó là lý do Học viện Nhi khoa Mỹ và các tổ chức vì trẻ em khác gần đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe tâm thần của trẻ em.

Khoảng cách về trình độ học vấn cũng đang gia tăng, với nhiều báo cáo cho thấy học sinh Mỹ đang bị tụt hậu trong môn toán và môn đọc.

Những tình trạng này xảy ra nhiều hơn ở các gia đình có thu nhập thấp và gia đình da màu.

Học sinh mẫu giáo giữ khoảng cách khi chờ cha mẹ đến đón tại trường tiểu học Maurice Sendak ở Los Angeles hồi tháng 4. Ảnh: AP.

Không có quốc gia nào phản ứng thật sự toàn diện với Covid-19, nhưng nhiều nước đã cố gắng ưu tiên đảm bảo việc sớm cho trẻ em trở lại trường, áp dụng các biện pháp phòng tránh mà phần lớn nước Mỹ không làm, như yêu cầu đeo khẩu trang và xét nghiệm.

Hơn 18 tháng kể từ khi đại dịch nổ ra, tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn cũng như khả năng tiếp cận xét nghiệm nhanh tại nhà ở Mỹ vẫn thấp hơn so với nhiều nước phát triển khác, trong khi cả hai yếu tố trên đều có thể hỗ trợ tốt cho việc học sinh trở lại trường học và hoạt động bình thường.

Vaccine - hơn cả hai yếu tố trên - có thể mang lại cơ hội hữu hình để trẻ em trở lại cuộc sống hàng ngày bình thường hơn, theo tiến sĩ Beers.

“Tôi sợ rằng tác động của đại dịch đối với thế hệ này sẽ còn sâu sắc và lâu dài, trừ khi các nhà hoạch định chính sách hành động ngay bây giờ và đầu tư vào trẻ em”, vị tiến sĩ lo lắng.

Theo bà, một số trẻ em cũng cần được giúp đỡ chuyên sâu hơn để vượt qua những thách thức mà các em gặp phải trong đại dịch.

“Trẻ em dễ phục hồi, nhưng các em cần sự ổn định, hy vọng và niềm tin vào những người lớn chăm sóc mình. Dù mức độ tàn khốc của đại dịch sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, hãy đưa ra lựa chọn đặt trẻ em lên hàng đầu”, tiễn sĩ đưa quan điểm.

Hồng Ngọc

Theo New York Times